Theo Luật sư Võ Trung Tín – Trưởng phòng Xử lý xâm phạm, Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam, hành vi sao chép tác phẩm báo chí có quy mô thương mại hoặc nhằm thu lợi bất chính đến dưới 500 triệu đồng thì sẽ bị phạt tiền đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Xem thêm:
>> Pháp luật có công nhận Những “thần y” chữa bệnh bằng cách lạ hay không?
>> Sở hữu trí tuệ bản quyền và cấp phép
>> Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về bản quyền và giống cây trồng
Tình trạng vi phạm bản quyền báo chí có thể xử lý hình sự.
Thưa ông, một thực trạng đang là vấn đề nóng hiện nay đối với các cơ quan báo chí chính thống đó là xuất hiện nhiều trang tin tổng hợp cop nhặt, sao chép những bài báo mà không được phép nhằm trục lợi cá nhân, o ép các DN ký hợp đồng truyền thông. Hiện tại, pháp luật đang có những quy định nào để xử lý tình trạng này?
⇒ Chúng ta không thiếu điều luật để xử lý các trang tin điện tử tổng hợp cóp nhặt, sao chép những tin bài từ các cơ quan báo chí mà không xin phép. Theo Luật Báo chí 2016, trang thông tin điện tử tổng hợp không được tự ý đăng bài báo, viết lại bài báo dựa trên các thông tin từ báo chính thống nếu không có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, những bài viết sao chép, cóp nhặt và không có tính sáng tạo trong đó thì không được bảo hộ quyền tác giả. Tùy vào hành vi vi phạm, một trang thông tin điện tử tổng hợp có thể bị phạt theo Luật Sở hữu trí tuệ đối với hành vi sử dụng, sao chép tác phẩm mà không xin phép tác giả và theo Luật Báo chí.
Cụ thể, nếu các bài viết vi phạm quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp tại Điều 20 Nghị định 119/2020/NĐ-CP, mức phạt tối đa lên đến 200 triệu đồng, hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lên đến 12 tháng, buộc khắc phục bằng việc gỡ bài, xin lỗi, cải chính công khai hoặc thậm chí thu hồi tên miền trong trường hợp trang thông tin điện tử tổng hợp không có giấy phép đúng quy định của pháp luật. Tùy vào mức độ vi phạm, các hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tình trạng vi phạm bản quyền báo chí có thể xử lý hình sự
Ông có thể cho biết khi các tổ chức, cá nhân thực hiện hành sao chép, sửa chữa các tin, bài của cơ quan báo chí chính thống mà chưa được phép, rồi đăng bài lên các trang tin hòng trục lợi thì sẽ bị xử lý như thế nào?
⇒ Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà chủ thể thực hiện hành vi có thể bị xử lý xâm phạm bằng biện pháp dân sự, hành chính và hình sự. Cụ thể, đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 35.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm theo Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính quyền tác giả, quyền liên quan.
Trong trường hợp, hành vi sao chép tác phẩm này có quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì sẽ bị xử lý hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 với khung hình phạt là bị phạt tiền từ 50.000.000 – 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Đối với hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng và hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả thì bị phạt tiền từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng, theo Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, chủ thể thực hiện hành vi còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật, buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí cũng gặp hạn chế khi vận dụng pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Theo ông, dưới phương diện pháp lý họ cần làm gì để tố cáo những hành vi vi phạm bản quyền, cóp nhặt, lấy cắp tin bài?
⇒ Trong trường hợp chủ thể bị xâm phạm có yêu cầu, tòa án có quyền áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; Buộc xin lỗi, cải chính công khai; Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; Buộc bồi thường thiệt hại…
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các nhà báo, phóng viên có thể gửi đơn tố cáo lên Thanh tra Bộ TT&TT, Thanh tra Sở TT&TT. Ngoài ra, tùy mức độ vi phạm trong lĩnh vực báo chí và hậu quả, người bị hại có thể gửi đơn tố cáo tới công an cấp quận, huyện hoặc công an cấp tỉnh, TP.
Vấn đề vi phạm bản quyền và cụ thể là vi phạm bản quyền báo chí tại các quốc gia được xử lý như thế nào, thưa ông?
⇒ Cũng như Việt Nam, chế tài xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả ở các quốc gia khác là các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự được áp dụng tùy vào tính chất, mức độ. Chẳng hạn như Luật Quyền tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật của Thụy Điển tại Điều 53 có quy định: “Người nào thực hiện hành vi vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật quy định tại chương I và II hoặc xâm phạm tới những quyết định được đưa ra theo Điều 41 khoản 2 hoặc Điều 50, sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù tới 2 năm”.
Hay trong Luật Quyền tác giả của Mỹ, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp thực thi chống vi phạm như tịch thu, xử lý đồ vật vi phạm (Điều 503), yêu cầu bồi thường thiệt hại và lợi nhuận (Điều 504) cùng các hình phạt hình sự (Điều 506). Trong đó, đối với vi phạm mang tính chất hình sự: Bất kỳ người nào xâm phạm một cách cố ý quyền tác giả phục vụ mục đích thu lợi nhuận thương mại hoặc giành các mục tiêu tài chính cá nhân sẽ bị phạt tù theo quy định của Điều 2319 của Điều luật số 28 với mức hình phạt có thể lên đến 10 năm tù.
Theo ông, các điều luật liên quan đến xử phạt vi phạm bản quyền cần điều chỉnh về khung pháp lý như thế nào để ngăn chặn tình trạng này?
⇒ Vấn nạn xâm phạm quyền tác giả nói chung và xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí hiện nay vẫn còn tồn tại khá nhiều. Để hạn chế tình trạng này, cần nâng cao hiểu biết và ý thức của cộng đồng trong việc tôn trọng quyền tác giả bằng các biện pháp tuyên truyền, truyền thông. Đồng thời, các cơ quan chủ quản cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước nên thiết lập cơ chế quản lý chặt chẽ hơn để kiểm soát tối đa vấn nạn xâm phạm quyền tác giả.
Ngoài ra, pháp luật cũng nên đặt ra quy định chặt chẽ hơn về điều kiện để được cấp phép hoạt động các trang thông tin điện tử tổng hợp. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm, đủ sức răn đe trong đối với những trường hợp có hành vi vi phạm quyền tác giả.
Tác giả: Hà Thanh
Theo báo Kinh tế và Đô thị
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư
Nguồn:
https://kinhtedothi.vn/bao-dong-tinh-trang-vi-pham-ban-quyen-bao-chi-bai-3-co-the-xu-ly-hinh-su-415838.html