Kính gửi Văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Cha, mẹ là người sinh thành ra con cái, gia đình là môi trường giúp trẻ em được chăm sóc, phát triển và bảo vệ tốt nhất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều gia đình vẫn sử dụng bạo lực là roi vọt, mắng chửi để dạy dỗ con cái khi bọn trẻ không nghe lời hoặc do công việc, cuộc sống áp lực, sự ích kỷ của bản thân mà lấy con cái ra làm nơi chút giận… Như vậy thì việc có hành vi bạo hành đối với con có bị tước quyền nuôi dưỡng hay không? Xin mời quý khách cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Xin chân thành cảm ơn.
Xem thêm:
>> Mức xử phạt và hình thức xử lý bạo hành trẻ em theo luật
>> Pháp luật quy định như thế nào về hành vi bạo hành trẻ
>> Nghiêm trị hành vi bạo hành trẻ em theo pháp luật
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Bạo hành tre em.
Bạo hành đối với con có bị tước quyền nuôi dưỡng hay không?
Thực tế hiện nay có rất nhiều vụ án bạo hành trẻ em xảy ra mà thủ phạm chính là cha, mẹ người thân nhất của con cái. Nổi bật mấy ngày qua, Tòa án đã đưa ra xét xử vụ án đau lòng khi cô bé VA chỉ mới 8 tuổi ở Bình Thạnh bị cha đẻ và mẹ kế đánh đập dẫn đến tử vong. Vụ bạo hành trẻ em ở H.Thạch Thất, Hà Nội khiến dư luận vô cùng phẫn nộ khi Nguyễn Trung Huyên là nhân tình của mẹ bé (30 tuổi, ở xã Canh Nậu, H.Thạch Thất) là nghi phạm găm 9 vật cứng vào đầu bé Đ.N.A (3 tuổi, ở xã Canh Nậu, H.Thạch Thất). Hay vụ việc bé gái tên B (12 tuổi) trú tại Hà Đông, Hà Nội bị mẹ đẻ nhiều lần đánh bằng dây điện, móc quần áo, bị người tình của mẹ là T bắt “làm chuyện người lớn”. Vụ việc chỉ hé lộ khi bác ruột đưa B về và trình báo cơ quan công an… Đây là hồi chuông báo động cho thấy tình hình trẻ em bị ngược đãi, xâm hại sức khỏe, thậm chí tính mạng vẫn diễn biến phức tạp và khó lường trong thực tế hiện nay.
Do đó, nhằm bảo vệ trẻ em trước những tác động xấu đó, pháp luật hiện hành cũng đã đưa ra những hạn chế quyền nuôi con của cha mẹ nếu phạm tội bạo hành.
Theo điểm a khoản 1 Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có nêu rõ cha, mẹ có thể bị Tòa án hạn chế quyền đối với con:
“ 1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;”
Theo quy định tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em và Luật trẻ em 2016 thì sẽ tiến hành tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế nếu xác định cha mẹ có hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em.
Tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định về việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế là: “1. Việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 50 Luật trẻ em được thực hiện đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp hoặc trẻ em bị xâm hại có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.”
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 62 Luật trẻ em 2016 quy định về các trường hợp trẻ em cần chăm sóc thay thế, cụ thể: “2. Trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em.”
Việc chăm sóc thay thế được áp dụng dưới nhiều hình thức bởi người thân; bởi cá nhân, gia đình không phải người thân thích; nhận con nuôi; tại cơ sở trợ giúp xã hội. Việc chăm sóc thay thế phải đảm bảo yêu cầu về ưu tiên trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân thích là ông, bà, cô, dì, chú, bác, anh, chị, em ruột. Đối với trường hợp trẻ em không có người thân thích thì trẻ em được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội nhưng quy trình bắt buộc tiếp theo là phải ngay lập tức tìm kiếm môi trường gia đình cho trẻ em theo trình tự, thủ tục luật định.
Mức xử lý đối với hành vi bạo hành con cái
Đối với hành vi bạo hành trẻ em, tùy thuộc theo mức độ của hành vi và hậu quả mà hành vi đó mang lại, cha, mẹ hoặc người có hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính, nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Tùy theo tính chất của từng sự việc, người có hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự 2015 về một trong các tội sau đây :
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134: hình thức xử phạt có thể phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, khung phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
- Tội hành hạ người khác quy định tại Điều 140: hình thức xử phạt áp dụng là phạt tù với khung phạt cao nhất 01 năm đến 03 năm tù.
- Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình quy định tại Điều 185: có thể áp dụng hình thức phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, khung phạt cao nhất là từ 02 đến 05 năm tù.
Ngoài ra, tùy thuộc vào tính chất, hậu quả của hành vi mà cơ quan điều tra và Tòa án xét xử định tội tương ứng.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư