Nguyên tắc chung trong cách chia tài sản khi ly hôn
Khi ly hôn, vợ chồng có quyền thỏa thuận với nhau về tất cả các vấn đề, trong đó bao gồm vấn đề chia tài sản. Nếu vợ chồng không thể thỏa thuận được mà có yêu cầu Tòa án xem xét, thì tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án sẽ xác định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, cụ thể theo khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP như sau:
a) Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn;
b) Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật hôn nhân và gia đình để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
Theo Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành và Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, có thể xác định 03 nguyên tắc chung trong cách chia tài sản khi ly hôn như sau:
Nguyên tắc chia đôi
Nếu áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng theo điểm a khoản 4 Điều 7 Thông tư này, Tòa án cũng sẽ tính đến các yếu tố sau để xác định tỷ lệ tài sản vợ chồng được chia:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Nguyên tắc phân chia tài sản bằng hiện vật
Theo khoản 3 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tài sản chung trước hết sẽ được chia bằng hiện vật. Nếu không thể chia bằng hiện vật thì mới được chia theo giá trị. Giá trị của tài sản sẽ xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc.
Trường hợp hiện vật mà một bên nhận được có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
Nguyên tắc không chia tài sản riêng
Theo khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tài sản riêng của vợ chồng của người nào thì thuộc quyền sở hữu riêng của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Ví dụ chồng có đóng góp tiền mua tài sản riêng cho vợ là 70%, sau đó tài sản riêng này được sáp nhập thành tài sản chung thì khi ly hôn, nếu có yêu cầu, chồng sẽ được nhận lại 70% phần giá trị tài sản mà mình đã đóng góp.
Ngoài ra, khi xem xét chia tài sản, Tòa án cũng sẽ tuân theo nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo khoản 5 Điều 59 Luật này.
Cách chia tài sản khi ly hôn trong một số trường hợp cụ thể
Cách chia tài sản khi ly hôn trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình
Theo Điều 61 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, nếu tài sản của vợ chồng nằm trong khối tài sản chung của gia đình thì:
– Trường hợp xác định được phần tài sản của vợ chồng: phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo các nguyên tắc chung nêu trên;
– Trường hợp không xác định được phần tài sản của vợ chồng: vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Cách chia tài sản khi ly hôn là quyền sử dụng đất của vợ chồng
Theo khoản 2 Điều 62Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, việc chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện như sau:
– Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;
– Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định nói trên;
– Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được theo các nguyên tắc chung nêu trên;
– Đối với loại đất khác thì được chia theo quy định của pháp luật về đất đai.
– Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn quyền lợi của bên không có quyền sử dụng đất và không tiếp tục sống chung với gia đình được giải quyết như trường hợp chia tài sản khi vợ chồng chung sống với gia đình.
Cách chia tài sản khi ly hôn là tài sản chung của vợ chồng được đưa vào kinh doanh
Theo Điều 64 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, nếu vợ chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung thì khi ly hôn có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được gửi đến Quý Khách hàng. Nếu còn băn khoăn hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư