Trong những năm qua, hành vi bán hàng giả ngày một gia tăng mạnh với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Từ những vụ bán hàng giả có giá trị chỉ vài chục triệu đồng trước đây, nay đã lên tới hàng trăm, hàng chục tỷ đồng. Đây là hành vi bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp. Tùy theo mức độ, tính chất của hành vi vi phạm mà cá nhân, tổ chức bán hàng giả sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Xử lý hình sự đối với hành vi bán hàng giả
Theo Điều 192 Bộ luật hình sự 2015, đối với hành vi bán hàng giả không phải là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thì tùy vào mức độ vi phạm mà bị xử lý như sau:
Đối với cá nhân:
- Khung 1: Bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
- Khung 2: Bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm
- Khung 3: Bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
Hình phạt bổ sung: Có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với pháp nhân:
- Khung 1: Bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng
- Khung 2: Bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng
- Khung 3: Bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm
- Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
Hình phạt bổ sung: Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm
Cơ quan nào có quyền xử lý vi phạm hành chính hành vi bán hàng giả?
Nếu mức nguy hiểm của hành vi bán hàng giả của bạn mà chưa đến mức để truy cứu trách nhiệm hình sự thì bạn có thể sẽ bị xử phạt hành chính.
Cơ quan có thể áp dụng biện pháp hành chính để xử lý hành vi bán hàng giả gồm (tham khảo Điều 101, 102 Nghị định 185/2013/NĐ-CP):
Thứ nhất, chủ tịch UBND các cấp:
- Chủ tịch UBND cấp xã
- Chủ tịch UBND cấp huyện
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh
Thứ hai, quản lý thị trường:
- Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ
- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường
- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương, Trưởng phòng Chống hàng giả, Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng hàng hóa thuộc Cục Quản lý thị trường
- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường
Mức xử phạt bán hàng giả bị xử phạt hành chính ra sao?
Theo Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt như sau:
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt bổ sung:
- Tịch thu tang vật vi phạm
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả
- Nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm
- Thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả đang lưu thông trên thị trường
Hy vọng những thông tin trên đây đã giải đáp được những vướng mắc liên quan đến bán hàng giả. Để có thể được tư vấn chi tiết hơn về các trường hợp cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn