Hộ kinh doanh được thành lập và hoạt động là do một cá nhân hay một nhóm các cá nhân, là công dân Việt Nam từ trên 18 tuổi với hành vi năng lực đầy đủ, hoặc do một hộ gia đình kinh doanh. Vậy hộ kinh doanh có phải là doanh nghiệp hay không? Để biết câu trả lời, xin mời quý khách cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây.
Xem thêm:
>> Ai có thể đăng ký hộ kinh doanh cá thể?
>> Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh online
>> Thời hạn của giấy phép kinh doanh hộ cá thể
Hộ kinh doanh.
Hộ kinh doanh có phải là doanh nghiệp hay không?
Trong Luật doanh nghiệp hiện hành cũng không có định nghĩa cụ thể về hộ kinh doanh. Nhưng tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có được quy định:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”
Tuy nhiên, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương theo khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, trong khoản 10 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.”
Do đó, chủ thể kinh doanh có điều kiện về quy mô sản xuất nhưng hộ kinh doanh không có tư cách của một doanh nghiệp vì những lý do sau:
- Hộ kinh doanh không có con dấu như doanh nghiệp.
- Không được phép mở chi nhánh và không có văn phòng đại diện.
- Không được quyền sử dụng các quyền như quyền xuất nhập khẩu hay quyền áp dụng Luật phá sản khi kinh doanh bị thua lỗ, phá sản.
Như vậy, hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp hay một loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Hộ kinh doanh có phải là doanh nghiệp hay không?
Hồ sơ thành đăng ký hộ kinh doanh
Một bộ hồ sơ thành lập hộ kinh doanh cá thể bao gồm các thành phần giấy tờ như sau:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh
Trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể được thực hiện theo từng bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh
Người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh nộp 01 bộ hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện khi thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.
Lưu ý: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện không được yêu cầu người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Nộp hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể đã chuẩn bị theo hướng dẫn ở trên. Đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Bước 2: Xét duyệt, bổ sung và nhận kết quả đăng ký hộ kinh doanh
Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
Nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Lưu ý: Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho Cơ quan thuế cung cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư