Trong quá trình hoạt động, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) có thể gặp một số vấn đề về thành viên trong công ty như thành viên là cá nhân chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự. Vậy nếu xảy ra trường hợp thành viên công ty TNHH mất năng lực hành vi dân sự thì phải xử lý như thế nào sẽ được đề cập trong bài viết sau.
Mất năng lực hành vi dân sự là gì?
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự. Một người chỉ bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự bởi quyết định của Tòa án trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Người mất năng lực hành vi dân sự là cá nhân do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi (Điều 22 Bộ Luật Dân sự 2015). Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự sẽ do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Xử lý phần vốn góp khi thành viên công ty TNHH mất năng lực hành vi dân sự
Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Doanh nghiệp quy định về xử lý vốn góp trong trường hợp thành viên công ty mất năng lực hành vi dân sự thì quyền và nghĩa vụ của thành viên đó trong công ty được thực hiện thông qua người giám hộ.
Việc xác định cá nhân trong trường hợp nào bị xem là mất năng lực hành vi dân sự và người giám hộ được quy định theo Bộ Luật Dân sự 2015. Giám hộ được hiểu là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ Luật Dân sự 2015 (sau đây gọi tắt là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người mất năng lực hành vi dân sự. Người giám hộ bao gồm người giám hộ đương nhiên và chỉ định người giám hộ theo quy định tại Điều 53 và Điều 54 Bộ Luật Dân sự 2015.
Người giám hộ đương nhiên
- Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ và ngược lại. Theo đó, nếu chồng là thành viên công ty TNHH bị mất năng lực hành vi dân sự thì vợ sẽ là người giám hộ đương nhiên của chồng và sẽ có các quyền và nghĩa vụ đối với phần vốn góp của mình trong công ty và ngược lại.
- Trường hợp nếu người chồng hoặc vợ mất năng lực hành vi dân sự và người còn lại không đủ điều kiện trở thành người giám hộ thì con cả là người giám hộ, nếu con cả không đủ điều kiện giám hộ thì người con tiếp theo sẽ là người giám hộ.
- Trường hợp thành viên công ty TNHH mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con không đủ điều kiện trở thành người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Chỉ định người giám hộ
Nếu thành viên trong công ty TNHH mất năng lực hành vi dân sự nhưng không có người giám hộ đương nhiên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ. Người được của giám hộ sẽ đại diện thay mặt người bị mất năng lực hành vi dân sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong công ty TNHH.
Như vậy, khi thành viên trong công ty TNHH mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ sẽ đại diện họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong công ty. Pháp luật quy định như vậy để đảm bảo hoạt động của công ty vẫn tiếp tục được diễn ra bình thường, đảm bảo quyền lợi của công ty cũng như của khách hàng.
Trên đây là toàn bộ nội dung chúng tôi muốn chia sẻ cùng bạn, nếu có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ pháp lý liên quan Quý khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với Phan Law qua thông tin dưới đây:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn