Đăng ký nhãn hiệu độc quyền
Đăng ký nhãn hiệu độc quyền là cụm từ nôm na, đại ý cho việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tại cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, tác giả, chủ sở hữu nhãn hiệu có cơ sở để ngăn chặn người khác sử dụng, sao chép, làm giả nhãn hiệu của mình, góp phần bảo vệ tính độc quyền trong việc sử dụng nhãn hiệu.
Thường có hai dạng đăng ký nhãn hiệu độc quyền là đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan quyền tác giả đối với hình thức thể hiện của nhãn hiệu và đăng ký nhãn hiệu. Thông thường, tác giả sáng tạo ra nhãn hiệu sẽ đăng ký quyền tác giả cho nhãn hiệu của mình, cụ thể là đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu.
Tùy theo nhu cầu, tác giả, chủ sở hữu lựa chọn thủ tục phù hợp để bảo vệ quyền của mình.


Thủ tục đăng ký quyền tác giả với nhãn hiệu
Bước 1. Chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho nhãn hiệu, bao gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả;
- Bản sao hình thức thể hiện của nhãn hiệu;
- Bản sao CCCD công chứng của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công chứng (nếu chủ sở hữu là doanh nghiệp).
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
Lưu ý, tất cả các tài liệu nộp kèm đơn đăng ký quyền tác giả phải được thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì tài liệu đó phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng, chứng thực.
Bước 2. Trong thời gian 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ.
Trường hợp có những sai sót, cần bổ sung hoặc từ chối cấp bản quyền, Cục sẽ có thông báo bằng văn bản gửi đến cho người nộp.


Thủ tục đăng ký quyền sở hữu với nhãn hiệu
Bước 1. Chuẩn bị đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu bao gồm:
- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu;
- Mẫu nhãn hiệu (05 mẫu kích thước 80 x 80 mm);
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác.
Bước 2. Tiếp nhận và thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu (hình thức và nội dung):
Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 02 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo đó, hồ sơ đăng ký sẽ được Cục thẩm định hình thức và thẩm định nội dung.
Thẩm định hình thức đơn là việc kiểm tra đơn có tuân thủ các quy định về hình thức hay không, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không. Kết quả của quá trình này là Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ/từ chối chấp nhận đơn.
Thẩm định nội dung đơn là đánh giá khả năng được bảo hộ của nhãn hiệu nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Trong trường hợp nhãn hiệu được nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Người nộp đơn có quyền khiếu nại, giải trình theo quy định pháp luật nếu không đồng ý với Quyết định của Cục.
Nếu nhãn hiệu được nêu trong đơn đáp ứng đủ các yêu cầu về bảo hộ và người nộp đơn đã thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí, Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Trên đây là nội dung tư vấn sơ bộ về đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Quý Khách hàng hãy theo dõi phan.vn để được cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư