Một số loại tài sản trí tuệ điển hình như thương hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh,.. sẽ được bảo vệ bằng quyền sở hữu công nghiệp. Thông qua quyền này Nhà nước cũng như chủ sở hữu có thể kịp thời áp dụng các phương thức pháp lý để bảo vệ quyền chính đáng của mình. Đi kèm với đó là chống lại mọi sự xâm phạm để giữ nguyên vẹn nội dung quyền sở hữu công nghiệp. Đây cũng đồng thời là cách thức mà Nhà nước tạo niềm tin cho các chủ thể có thể yên tâm lao động trí tuệ và sáng tạo không ngừng.
Quyền sở hữu công nghiệp là gì?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 thì đây là quyền của tổ chức, cá nhân. Quyền này được áp dụng đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp bao gồm: Sáng chế, Kiểu dáng công nghiệp, Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Bí mật kinh doanh, Nhãn hiệu, Tên thương mại, Chỉ dẫn địa lý