Đăng ký bản quyền thương hiệu là gì?
Theo một công bố của tổ chức quốc tế về sở hữu trí tuệ WIPO, thương hiệu là một sự đa dạng hoặc tổng hợp các quyền sở hữu trí tuệ khác nhau, bao gồm: nhãn hiệu thương mại, thiết kế, quyền tác giả, tên thương mại, lợi thế thương mại và chỉ dẫn địa lý.
Thương hiệu là một hình thái của các giá trị nội tại vô hình nhưng mang lại lợi ích hữu hình, bao gồm: hình ảnh, sự thu hút, danh tiếng, độ nhận diện đối với khách hàng, sự tin tưởng và lòng trung thành, chất lượng cảm nhận và độ tin cậy, tăng trưởng, doanh thu liên tục và lợi nhuận.
Theo đó, việc đăng ký bản quyền thương hiệu là việc tổ chức, cá nhân đăng ký các quyền sở hữu trí tuệ cho thương hiệu, điển hình như: đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả đối với thiết kế bảng hiệu, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý,…
Ngoài ra, việc thường xuyên sử dụng tên thương mại trong hoạt động kinh doanh, trên thực tế cũng là một cách đăng ký bản quyền thương hiệu.

Có buộc phải đăng ký bản quyền thương hiệu?
Thứ nhất, đối với quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, những quyền này phát sinh từ khi tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch¬ưa công bố, đã đăng ký hay ch-ưa đăng ký.
Do đó việc đăng ký thương hiệu thông qua đăng ký quyền tác giả có thể không nhất thiết phải thực hiện, nhưng để đảm bảo có cơ sở vững chắc chứng minh quyền, thì nên thực hiện thủ tục này đối với thương hiệu của mình.
Thứ hai, đối với quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, phải có văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như vậy, tổ chức, cá nhân phải thực hiện thủ tục đăng ký để được xác lập quyền sở hữu trí tuệ của mình, để được bảo hộ, không cho người khác sử dụng.
Trên thực tế, nhiều người cho rằng nhãn hiệu mình đã nổi tiếng nên không thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền. Tuy nhiên, cách nghĩ này rất rủi ro. Mặc dù, theo quy định, nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được bảo hộ mà không phải thông qua thủ tục đăng ký, nhưng việc chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam không phải là chuyện đơn giản, nên dù đã nổi tiếng, vẫn cần đăng ký nhãn hiệu.

Thủ tục đăng ký bản quyền thương hiệu 2024
Cách đăng ký bản quyền thương hiệu 2024 sẽ bắt đầu từ việc các tổ chức hoặc cá nhân nộp đơn đăng ký bản quyền cùng mẫu sản phẩm (tác phẩm thiết kế, logo, nhãn hiệu,…) tới cơ quan có thẩm quyền – Cục Sở hữu Trí tuệ hoặc Cục Bản quyền tác giả, để các chuyên gia xem xét và đánh giá. Quá trình đánh giá đòi hỏi thời gian và có các tiêu chí rất nghiêm ngặt.
Nếu đơn đăng ký được coi là hợp lệ và thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết để được bảo hộ trí tuệ, không gặp tranh chấp hay khiếu nại, tổ chức hoặc cá nhân đó sẽ được cấp văn bằng bảo hộ bản quyền.
Văn bằng bảo hộ này chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định và nếu cần, các thủ tục gia hạn phải được thực hiện để kéo dài thời hạn hiệu lực của nó.
Về phần hồ sơ, tờ khai là bắt buộc để cung cấp thông tin về tác giả, chủ sở hữu và phạm vi quyền; mẫu sản phẩm (tác phẩm thiết kế, logo, nhãn hiệu,…) kèm bảng mô tả; các giấy tờ nhân thân hoặc giấy tờ doanh nghiệp và các tài liệu bổ sung theo yêu cầu của chuyên viên hoặc theo quy định pháp luật.
Trên thực tế, cách đăng ký bản quyền thương hiệu không đơn giản, Quý Khách hàng cần có sự tư vấn và hỗ trợ từ các tổ chức có kinh nghiệm và chuyên môn để được tư vấn một cách tổng quát, bài bản, để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho mình.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư