Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sẽ mang lại giá trị thương mại cao cho sản phẩm đó. Vậy thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý theo pháp luật như thế nào? Xin mời quý khách cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Xem thêm:
>> So sánh giữa sáng chế và bí mật kinh doanh theo pháp luật hiện hành
>> Điều kiện bảo hộ đối với bí mật kinh doanh được quy định như thế nào trong pháp luật mới 2021?
>> Đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành
Chỉ dẫn địa lý là gì? Thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý theo pháp luật mới 2021.
Quy định pháp luật về chỉ dẫn địa lý
Theo khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Ví dụ: Vải thiều Thanh Hà, lụa Vạn Phúc, Gốm Bát Tràng, nước mắm Phú Quốc, chè Tân Cương,…
Căn cứ Điều 88 Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước thì nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó. Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ dưới hình thức cấp Văn bằng bảo hộ.
Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ quy định điều kiện chung bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý như sau:
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
Danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý
Danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý theo Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ quy định như sau:
– Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.
– Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.
Điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý.
Điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý ở 82 Luật sở hữu trí tuệ quy định như sau:
- Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
- Yếu tố tự nhiên bao gồm yếu tố về khí hậu, thuỷ văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác.
- Yếu tố về con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương.
Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý
Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý ở Điều 83 Luật Sở hữu trí tuệ được quy định như sau: Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.
Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý
Trong Điều 88 Luật sở hữu trí tuệ có quy định về quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước là.
Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.
Chỉ dẫn địa lý là gì? Thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý theo pháp luật mới 2021.
Thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý theo pháp luật
Thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý bao gầm cách thức nộp hồ sơ và quy trình thực hiện theo Luật sở hữu trí tuệ như sau:
Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp
Tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
Đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được nộp dưới hình thức văn bản ở dạng giấy cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến.
Đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp
Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được quy định ở Điều 100 Luật sở hữu công nghiệp như sau:
⇒ Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các tài liệu sau đây:
- Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
- Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định tại các điều từ Điều 102 đến Điều 106 của Luật sở hữu trí tuệ;
- Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
⇒ Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu:
- Giấy ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;
- Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.
⇒ Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm:
- Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;
- Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.
Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý
⇒ Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định chỉ dẫn địa lý cần bảo hộ trong đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý bao gồm:
- Tên gọi, dấu hiệu là chỉ dẫn địa lý;
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
- Bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và các yếu tố đặc trưng của điều kiện tự nhiên tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm đó (sau đây gọi là bản mô tả tính chất đặc thù);
- Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- Tài liệu chứng minh chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại nước có chỉ dẫn địa lý đó, nếu là chỉ dẫn địa lý của nước ngoài.
⇒ Bản mô tả tính chất đặc thù phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Mô tả loại sản phẩm tương ứng, bao gồm cả nguyên liệu thô và các đặc tính lý học, hóa học, vi sinh và cảm quan của sản phẩm;
- Cách xác định khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- Chứng cứ về loại sản phẩm có xuất xứ từ khu vực địa lý theo nghĩa tương ứng quy định tại Điều 79 của Luật sở hữu trí tuệ;
- Mô tả phương pháp sản xuất, chế biến mang tính địa phương và có tính ổn định;
- Thông tin về mối quan hệ giữa tính chất, chất lượng đặc thù hoặc danh tiếng của sản phẩm với điều kiện địa lý theo quy định tại Điều 79 của Luật sở hữu trí tuệ;
- Thông tin về cơ chế tự kiểm tra các tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm.
Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý
Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý gồm các bước sau:
Bước 1: Tiếp nhận đơn đăng ký
Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn
Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không để ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ hoặc từ chối chấp nhận đơn.
+ Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối, ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Bước 3: Công bố đơn đăng ký
Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ, sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn
Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đã được công nhận là hợp lệđược thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ và xác định phạm vi bảo hộ tương ứng
Bước 5: Ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về chỉ dẫn địa lý và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 –Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư