Tin tức thời sự có được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không?
Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) quy định những đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về quyền tác giả như sau:
1. Tin tức thời sự thuần túy đưa tin.
2. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.
Theo đó, tin tức thời sự thuần túy là một trong những đối tượng sẽ không được bảo hộ quyền tác giả. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 17/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, tin tức thời sự thuần túy là “các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, tin vặt, số liệu sự thật, chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo”.
Như vậy, chỉ khi tin tức thời sự là những tin tức thuần túy đưa tin, không có bất kỳ một sự sáng tạo nào thì mới thuộc đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả. Trường hợp tin tức thời sự có tính bình luận, thể hiện quan điểm, nêu cảm nhận và sự sáng tạo của tác giả, không còn mang tính chất đưa tin thuần túy thì tin tức thời sự đó vẫn sẽ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về quyền tác giả.
Ngoài tin tức thời sự thuần túy, Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) còn quy định hai đối tượng nữa cũng sẽ không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả, cụ thể bao gồm:
Thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó
Trong đó, theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, văn bản hành chính bao gồm “bao gồm văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân”.
Ví dụ: các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022), Luật Doanh nghiệp 2020, Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Nghị định 17/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan,… đều thuộc đối tượng không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về quyền tác giả. Hoặc văn bản hướng dẫn thể thức văn bản năm 2013 của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, một tổ chức chính trị – xã hội, cũng thuộc đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả.
Thứ hai, quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu
Trong đó, khoản 2 Điều 8 Nghị định 17/2023/NĐ-CP định nghĩa từng đối tượng trên như sau:
– Quy trình là trình tự phải tuân theo để tiến hành công việc (ví dụ: như quy trình tố tụng sơ thẩm, quy trình khởi kiện tại trọng tài,…);
– Hệ thống là tập hợp nhiều yếu tố, đơn vị cùng loại hoặc cùng chức năng, có quan hệ hoặc liên hệ với nhau chặt chẽ, làm thành một thể thống nhất (ví dụ: hệ thống sinh thái, hệ thống kinh tế, hệ thống văn hóa,…);
– Phương pháp là cách thức nghiên cứu, nhìn nhận các hiện tượng của tự nhiên và đời sống xã hội (ví dụ: phương pháp IRAC, phương pháp montessori,…);
– Khái niệm là ý nghĩ phản ánh ở dạng khái quát các sự vật và hiện tượng của hiện thực và những mối liên hệ giữa chúng (ví dụ: khái niệm về con người, khái niệm về con vật,…);
– Nguyên lý là định luật cơ bản có tính chất tổng quát, chi phối một loạt hiện tượng, là những ý tưởng hoặc lý thuyết ban đầu quan trọng và được coi là xuất phát điểm cho việc xây dựng những lý thuyết khác (ví dụ: nguyên lý tảng băng trôi, nguyên lý chuồng bồ câu, nguyên lý bất định,…).
Những đối tượng trên đều thuộc trường hợp sẽ không được bảo hộ quyền tác giả theo quy định pháp luật.
Trên đây là giải đáp pháp lý của Phan Law Vietnam về những đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả xin được gửi đến Quý Khách hàng. Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua thông tin sau để được giải đáp:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư