Nhãn hiệu và logo là gì?
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu này có thể là chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ và phải đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ để có hiệu lực bảo hộ.
Logo là một biểu tượng được tạo thành từ văn bản và hình ảnh để nhận diện một tổ chức/doanh nghiệp. Logo thường thể hiện ngành nghề, lĩnh vực của công ty và giá trị của thương hiệu. Logo có thể là một biểu tượng, chữ hoặc sự kết hợp của cả hai.
Lưu ý: Nhãn hiệu bị hạn chế trong sản phẩm, dịch vụ đăng ký nhưng mức độ bảo hộ cao hơn logo. Còn logo không bị hạn chế lĩnh vực nhưng mức độ bảo hộ bản quyền yếu hơn nhãn hiệu.
Nhãn hiệu và logo đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp. Nhãn hiệu giúp phân biệt sản phẩm và dịch vụ, trong khi logo giúp nhận diện và thể hiện giá trị của doanh nghiệp. Cả hai đều cần được thiết kế và sử dụng một cách chiến lược để tối ưu hóa hiệu quả thương hiệu.
Quy trình đăng ký nhãn hiệu và logo
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu
Bước 1: Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đầy đủ để nộp khi đăng ký nhãn hiệu, bao gồm các tài liệu sau:
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
- Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện).
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác.
- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu.
- Mẫu nhãn hiệu (05 mẫu kích thước 80 x 80 mm) và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu
Có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bên cạnh đó còn có thể đăng ký bằng cách nộm hồ sơ online qua website tại Cổng Dịch vụ công trực tuyến Cục Sở hữu trí tuệ với đường link:
http://dvctt.noip.gov.vn:8888/HomePage.do.
Bước 3: Chờ nhận kết quả
Hồ sơ sẽ trải qua các bước như thẩm định hình thức đơn; công bố đơn; thẩm định nội dung đơn và cuối cùng là ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
Trường hợp nhãn hiệu nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Thời gian để đăng ký nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ quy định là từ 13 – 14 tháng, tính từ thời điểm nộp đơn. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình đăng ký nhãn hiệu thường diễn ra lâu hơn, kéo dài từ 18 – 20 tháng từ khi đơn được nộp.
Thủ tục đăng ký logo
Trong luật thì không có quy định bắt buộc phải đăng ký logo, nhưng thực tế hiện nay xảy ra nhiều tranh chấp liên quan đến hình ảnh logo, nên việc đăng ký logo theo pháp luật về sở hữu trí tuệ là điều cần thiết.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ quy định thì cá nhân/doanh nghiệp có thể đăng ký logo bằng 2 hình thức là đăng ký nhãn hiệu và đăng ký tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Cụ thể:
– Đăng ký bảo hộ logo theo thủ tục đăng ký nhãn hiệu Quý khách tham khảo hướng dẫn ở trên.
– Đăng ký bảo hộ logo theo thủ tục đăng ký tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, theo quy định thì tác phẩm mỹ thuật sẽ đăng ký bản quyền tác giả, được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan (Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;).
- Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
- Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đến Cục Bản quyền tác giả hoặc Điểm tiếp nhận hồ của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, Điểm tiếp nhận hồ sơ Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan (hồ sơ bản gốc (bản giấy) được gửi tới Cục Bản quyền tác giả theo cách thức trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính).
Bước 3: Chờ nhận giấy chứng nhận
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ. Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ trong trường hợp từ chối hồ sơ.
Trên đây là phần giải đáp pháp lý của Phan Law Vietnam. Nếu còn băn khoăn hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư