Kính chào văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau:
Tôi có nghiên cứu luật Sở hữu trí tuệ thấy có lúc thì dùng thuật ngữ đăng ký bản quyền, có lúc lại dùng đăng ký nhãn hiệu. Vậy hai khái niệm này khác nhau như thế nào? Mong Phan law Vietnam trả lời giúp tôi.
Xin chân thành cảm ơn!
Xem thêm:
>> Bao lâu kể từ ngày nộp đơn đăng ký Quyền tác giả thì nhận được văn bằng bảo hộ?
>> Các loại tài liệu nào trong đơn phải lập bằng tiếng Việt?
>> Có bao nhiêu loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả?
Trả lời:
Trong pháp luật sở hữu trí tuệ sẽ bao gồm các cơ chế bảo hộ quyền lợi đối với mỗi đối tượng là khác nhau. Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 (Luật Sở hữu trí tuệ) thì quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Trong đó phổ biến nhất chính là quyền tác giả hay bản quyền và quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng như nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh,… Mỗi cơ chế sẽ có những đặc điểm và cách thức bảo hộ khác nhau.
Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền này phát sinh một cách tự động mà không bị phụ thuộc vào thủ tục đăng ký quyền tác giả hay bản quyền. Vì vậy mà là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tiến hành thủ tục đăng ký chỉ là việc nộp đơn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả. Việc đăng ký này không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả theo quy định của Luật này.
Còn đối với quyền sở hữu công nghiệp thì khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Khác với quyền tác giả, quyền này xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Nói cách khác nếu một nhãn hiệu muốn được bảo hộ thì buộc phải thông qua thủ tục đăng ký nhãn hiệu.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phan Law Vietnam về đặc trưng của những thủ tục đăng ký này. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp có thể giúp bạn hiểu hơn về vấn đề này.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn