Mức phạt khi giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe
Khi giao xe cho người khác mà người đó không đủ điều kiện lái xe, chủ phương tiện có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật giao thông. Mức xử phạt phụ thuộc vào loại phương tiện và mức độ vi phạm của người điều khiển xe. Cụ thể, theo khoản 7 Điều 9 Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm:
7. Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.


Đối với xe máy
Theo khoản 10 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi giao xe cho người đó không đủ điều kiện lái xe sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng – 10.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt từ 16.000.000 đồng – 20.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự thực hiện hành vi vi phạm giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.
Mức phạt này cũng áp dụng với trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng.
Đối với xe ô tô
Khoản 14 Điều 32 Nghị định 168 quy định phạt tiền từ 28.000.000 đồng – 30.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt từ 56.000.000 đồng – 60.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.
Mức phạt này cũng áp dụng với trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ bị tước quyền sử dụng trước ngày 01/01/2025 và đang trong thời gian bị tước.
Ai được quyền điều khiển phương tiện tham gia giao thông?
Theo Điều 56 Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:


1. Người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ người lái xe gắn máy quy định tại khoản 4 Điều này. Khi tham gia giao thông đường bộ, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau đây:
a) Chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao Chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn hiệu lực trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển;
c) Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật;
d) Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
2. Người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng phù hợp loại xe máy chuyên dùng đang điều khiển; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Khi tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải mang theo các loại giấy tờ sau đây:
a) Chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao Chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc Giấy biên nhận còn hiệu lực của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;
c) Giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ;
d) Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng theo quy định của pháp luật;
đ) Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp giấy tờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử thì việc xuất trình, kiểm tra có thể thực hiện thông qua tài khoản định danh điện tử.
4. Người lái xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ phải hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng điều khiển phương tiện; đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 59 của Luật này.
5. Người tập lái xe ô tô, người dự sát hạch lái xe ô tô khi tham gia giao thông đường bộ phải thực hành trên xe tập lái, xe sát hạch trên tuyến đường tập lái, tuyến đường sát hạch, có giáo viên dạy lái hoặc sát hạch viên bảo trợ tay lái. Giáo viên dạy lái, sát hạch viên phải mang theo các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, chỉ cần đáp ứng các điều kiện quy định trong điều luật trên (tùy vào từng loại phương tiện mà bạn sử dụng mà áp dụng) thì có thể điều khiển phương tiện giao thông tham gia giao thông trên đường.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư