Quy định về mức phạt uống rượu bia khi lái xe
Theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia được xác định dựa trên loại phương tiện và nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của người lái. Cụ thể như sau:


Mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô uống rượu bia khi lái xe
Theo điểm c khoản 5 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng – 6.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo điểm a khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP người lái xe vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 02 điểm.
Theo điểm a khoản 9 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 18.000.000 đồng – 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo điểm d khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP người lái xe vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm.
Theo điểm a khoản 11 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng – 40.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo điểm c khoản 15 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP người lái xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng – 24 tháng.
Xem thêm: Quy định về điểm của giấy phép lái xe
Mức phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy uống rượu bia khi lái xe
Theo điểm a khoản 6 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng – 3.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo điểm b khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP người lái xe vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm.
Theo điểm b khoản 8 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng – 8.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo điểm đ khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP người lái xe vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm.
Theo điểm d khoản 9 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng – 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo điểm c khoản 12 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP người lái xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng – 24 tháng.
Tìm hiểu thêm: Có được phép rẽ phải khi đèn đỏ?


Mức phạt đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng uống rượu bia khi lái xe
Theo điểm c khoản 6 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe máy chuyên dùng điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng – 5.000.000 đồng.
Theo điểm a khoản 7 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe máy chuyên dùng điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt liền từ 6.000.000 đồng – 8.000.000 đồng.
Theo điểm a khoản 9 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe máy chuyên dùng điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 18.000.000 đồng – 20.000.000 đồng.
Mức xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác uống rượu bia khi lái xe
Theo điểm p khoản 1 Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, người điều khiển khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng – 200.000 đồng.
Theo điểm d khoản 3 Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Theo điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng – 600.000 đồng.
Biện pháp khắc phục tình trạng lái xe còn uống rượu bia
Để khắc phục tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, giáo dục đến thực thi pháp luật. Trước hết, cần đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của rượu bia khi lái xe và lồng ghép giáo dục an toàn giao thông vào chương trình học.
Song song đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, áp dụng các mức phạt nghiêm minh để răn đe, như tước giấy phép lái xe, phạt tiền nặng hoặc tịch thu phương tiện. Các công nghệ như cảm biến đo nồng độ cồn trên xe cũng nên được triển khai rộng rãi.
Đồng thời, cần phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện thay thế như xe buýt, taxi hoặc dịch vụ gọi xe. Vai trò của cộng đồng và các doanh nghiệp cũng rất quan trọng, đặc biệt trong việc cung cấp các giải pháp an toàn như dịch vụ đưa khách về nhà.
Cuối cùng, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, xây dựng văn hóa “Đã uống rượu bia thì không lái xe” là nền tảng để giải quyết triệt để vấn đề này.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư