Pháp luật Việt Nam chưa có quy định riêng biệt để bảo vệ người bị thiệt hại trong tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ. Tuy nhiên, các quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra tại Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã đảm bảo cho các thiệt hại của nạn nhân bị TNGT được bồi thường một cách thỏa đáng.
Về nguyên tắc chung, chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp phương tiện giao thông phải bồi thường thiệt hại do phương tiện giao thông gây ra, cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo đó, nếu chủ sở hữu phương tiện giao thông đã giao phương tiện giao thông cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định ai là người có “quyền chiếm hữu, sử dụng” phương tiện giao thông. Nếu người được giao chỉ là người được thuê để lái ô tô và được trả tiền công thì không phải là người chiếm hữu, sử dụng ô tô. Chủ xe là người có quyền chiếm hữu, sử dụng xe nên phải bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, chủ xe có quyền yêu cầu người làm công trả lại khoản tiền đã bồi thường.
Theo Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP, những trường hợp phải bồi thường thiệt hại trong TNGT bao gồm:
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: Bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.
Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm: Bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết và thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; chi phí hợp lý cho việc mai táng; khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết; khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.
Rõ ràng, trong các TNGT liên quan đến xe khách, người ngồi trên xe luôn là người thiệt hại nhất. Họ bỏ tiền đi xe với mong muốn trở về cùng gia đình, đi công tác hay du lịch khám phá những vùng đất mới, nhưng phải đổi lấy sự lo sợ bất an, đổi lấy cả sức khỏe và tính mạng. Vì vậy, họ cần được bồi thường để bù đắp phần nào những thiệt hại mất mát mà TNGT gây ra.
Thiết nghĩ, bồi thường thiệt hại là lẽ tất nhiên khi TNGT xảy ra. Nhưng trên tất cả, mỗi cá nhân cần phải tự giác hành động, tự giác chấp hành pháp luật giao thông để xã hội không còn cảnh con mất cha mẹ, gia đình mất đi những người thân yêu nhất của mình vì sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm, vi phạm luật khi tham gia giao thông.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.88888
Email: info@phan.vn