Tại hội thảo “Bảo vệ thương hiệu quốc gia – Những cơ sở pháp lý”, diễn ra tại TP Hạ Long – Quảng Ninh, sáng 12/8, nhiều ý kiến cho rằng, với vai trò của các cơ quan quản lý còn mờ nhạt như hiện nay, việc bảo vệ và xây dựng thương hiệu Việt mãi sẽ chỉ dừng ở mức hô hào.
Chính sách nào, doanh nghiệp đó
Tiến sĩ Võ Đại Lược nhận định: Tất cả các quốc gia có những thương hiệu mạnh đều có thể chế – gồm luật pháp, bộ máy nhà nước, phương thức điều hành – rất tốt. Theo chuyên gia kinh tế này, các chính sách, cách quản lý của Việt Nam hiện nay đang dung dưỡng cho những doanh nghiệp (DN) làm ăn chụp giật, làm nản lòng những doanh nhân có ý chí xây dựng thương hiệu mạnh.
Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen – cho biết: “Các DN làm ăn chân chính hiện đang phải cạnh tranh với các DN làm ăn chụp giật, lừa người tiêu dùng. Hiện tượng này đã trở thành phổ biến nhưng các cơ quan Nhà nước bó tay. Cứ như thế khó có thể tạo ra được những thương hiệu mạnh.”
Cũng theo doanh nhân này, sản phẩm càng nổi tiếng thì càng bị làm nhái nhiều. Vấn đề này dễ hiểu, chỉ có điều khó hiểu là không thấy vai trò của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ sự sáng tạo và giá trị của các DN.
“Tại nhiều khu vực, các cơ sở sản xuất hàng giả ngang nhiên sản xuất Trà xanh 0o của Công ty Tân Hiệp Phát chúng tôi để vận chuyển bán lên vùng sâu, vùng xa, biên giới phía bắc, nhưng tất cả các cơ quan chức năng địa phương đều làm ngơ” – ông Phạm Lê Tấn Phong – Giám đốc Trung tâm Truyền thông của Tập đoàn Tân Hiệp Phát – bức xúc.
Chia sẻ bên lề hội thảo, một doanh nhân tâm sự: Nhiều khi báo chí cứ nói chúng tôi làm ăn chụp giật, nhưng chính sách không ổn định, thậm chí nhiều khi cũng chụp giật, buộc chúng tôi phải chạy theo.
Không những các cơ quan chức năng chưa “mặn mà” với việc chủ động bảo vệ các DN làm ăn chân chính, mà thực tế, các DN muốn tự bảo vệ mình cũng gặp muôn vàn khó khăn, bởi việc theo kiện mất rất nhiều thời gian, tốn kém.
Trong khi đó, đội ngũ thẩm phán chuyên sâu về sở hữu trí tuệ vừa thiếu và yếu. Đáng lưu ý là, sau 20 năm kể từ thời điểm Việt Nam có sự quan tâm đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đến nay, vẫn chưa có tòa án chuyên trách xét xử các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ.
Thương hiệu quốc gia – chủ quyền lãnh thổ “mềm”
Theo tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – việc bảo vệ thương hiệu quốc gia cũng giống như việc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bởi đó không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là hình ảnh của quốc gia trong đó. Hiện nay, những thương hiệu của Việt Nam ở nước ngoài đạt tới độ “nhắc tới Việt Nam là khách hàng nghĩ ngay tới thương hiệu đó và ngược lại” còn quá ít.
Thực tế, nhiều DN cùng lắm mới chỉ quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước, chứ chưa có kế hoạch đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Vì thế, nhiều thương hiệu Việt Nam đã bị các công ty của nước ngoài lấy mất, điển hình như: Kẹo dừa Bến Tre năm 1998, Cà phê Trung Nguyên năm 2000, Petro Vietnam năm 2002, và gần đây nhất là Cà phê Buôn Ma Thuột…
Hậu quả là, các DN Việt Nam hoặc là chỉ xuất hàng thô, hoặc phải thông qua công ty thứ ba; còn vẫn mang thương hiệu của mình thì sản phẩm xuất khẩu đó sẽ bị coi là hàng giả, hàng nhái. “Tính cộng đồng của các ban ngành, các doanh nghiệp Việt Nam là rất yếu, hầu như chưa hợp tác được gì đáng kể. Vì thế, các chiến lược phát triển của mỗi ngành, mỗi đơn vị, doanh nghiệp thường thiếu tính liên kết” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu – nhận xét từ kinh nghiệm của địa phương mình.
Trong khi đó, thị hiếu tiêu dùng ngày càng lệch lạc, có phần cổ súy cho hàng nhái và vẫn còn mang nặng tâm lý sính ngoại.
“Không chiếm lĩnh được thị trường nội địa thì khó vươn ra tầm quốc tế. Ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, Nhà nước cần phải có giải pháp tổng thể về giáo dục, đào tạo, truyền thông, giải trí, tuyên truyền để tạo nên một văn hóa tiêu dùng thông minh, lành mạnh và có chiến lược” – Đặng Lê Nguyên Vũ – ông chủ của thương hiệu Cà phê Trung Nguyên – kiến nghị.
Theo: LĐO