Mật ong U Minh Hạ, tôm khô Rạch Gốc, khô cá bổi U Minh đã được công nhận thương hiệu hơn 1 năm nay. Những tưởng có thương hiệu rồi hương thơm sẽ được bay xa, nào ngờ…
Những người trực tiếp làm ra sản phầm này đang lâm vào tình cảnh đáng thương, đó là được mùa mất giá và hàng giả tràn lan.
Khó cho thương hiệu
Huyện Trần Văn Thời, Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi cá bổi (cá sặc bổi) nhiều nhất tỉnh Cà Mau. Theo UBND huyện, ngoài diện tích 130ha của người dân, các nông trường Khánh Hà, lâm ngư trường trong huyện cũng nuôi tập trung. Theo tính toán của Phòng NNPTNT huyện Trần Văn Thời, khả năng năm nay toàn huyện có đến trên 6.000 tấn cá. Đây là sản lượng lớn của huyện trong vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, đây không phải là niềm vui của người dân mà trở thành nỗi lo thật sự cho người nuôi cá và cả chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Văn Út thả nuôi gần 2ha cá bổi, đang lo lắng vì tới nay các thương lái vắng bóng. Mọi năm khi ngọn gió chướng thổi về, thương lái các nơi từ Long An, Kiên Giang, TPHCM đã xuống đặt mua khô vào dịp tết. Ông thở dài: “Tưởng có thương hiệu sẽ tiêu thụ mạnh, nào dè như vậy”. Chưa ai đoan chắc cá bổi năm nay sẽ có giá, nhưng hiện tại giá đang xuống, chưa có chiều hướng tăng.
Cùng cảnh ngộ với con cá bổi, mật ong U Minh Hạ và tôm khô Rạch Gốc cũng cùng chung số phận, nhưng ở góc độ khác.
Ông Dương Thanh Quốc- huyện U Minh- than vãn: “Bây giờ tôi đố chú phân biệt đâu là mật ong giả, đâu là mật thật. Từ ngày có thương hiệu, người ta biết đến mật ong U Minh Hạ rất nhiều; cũng từ đó, người ta bán tràn lan, pha tạp chất, phẩm màu tùm lum…”.
Hiện tại mật ong bày bán tại chợ U Minh với giá 80.000 đồng/lít, màu vàng ươm. Theo ông Quốc, mật ong U Minh Hạ có giá thấp nhất 150.000 đồng/lít. Chính sự buôn bán tràn lan này giết chết thương hiệu mật ong U Minh Hạ.
Đối với tôm khô Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển lại là một câu chuyện buồn khác bởi hiện tại tép đất- một loại tép làm nguyên liệu chính cho tôm khô- hiện nay không còn nhiều. Từ ngày tôm khô được công nhận thương hiệu, giá lên vùn vụt, cung không đủ cầu. Người dân sử dụng tép bạc làm tôm khô mang nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc, khiến cho người tiêu dùng chẳng biết đâu mà lần.
Bất cập trong xây dựng thương hiệu
Theo quy định hiện hành, việc xây dựng thương hiệu nói chung, các mặt hàng nông sản thực phẩm nói riêng do Bộ KHCN quyết định.
Để được Bộ KHCN công nhận, sở KHCN các tỉnh làm các công đoạn từ điều tra, xây dựng mô hình, diện tích cho đến hồ sơ chỉ dẫn địa lý. Trong khi đó, hầu hết các mặt hàng nông sản thực phẩm đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp, do sở NNPTNT phát triển và chuyện bán ra thị trường thuộc sở công thương.
Ông Nguyễn Văn Út- Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, Bạc Liêu (nơi có thương hiệu gạo MBĐ)- bức xúc: “Chúng tôi phải ”uốn ba tấc lưỡi” để vận động người dân sản xuất lúa MBĐ, làm bao nhiêu công đoạn mới ra đến sản phẩm, trong khi đó việc bán được hay không lại thuộc ngành khác. Đây là điều hết sức khó khăn”.
Ông Huỳnh Minh Hoàng- Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bạc Liêu- cho rằng: “Sở KHCN Bạc Liêu làm hết mình trong việc xây dựng thương hiệu nông sản thực phẩm cho người nông dân. Chúng tôi không lấn sân Sở NPTNT trong việc xây dựng mô hình, dự án nhằm xây dựng thương hiệu cho người nông dân. Chúng tôi đã hoàn thiện việc xây dựng thương hiệu hạt muối Gành Hào, sắp tới là hạt ngò rí… Còn chuyện sản phẩm có ra thị trường được hay không là việc khác, không thuộc quản lý của Sở KHCN”.
Trong khi đó, một cán bộ Sở Công Thương Bạc Liêu cho rằng, không thể ép người dân mua sản phẩm có thương hiệu. Vấn đề là thương hiệu đó có đủ mạnh, sản phẩm ấy có phù hợp về chất lượng, mẫu mã, giá tiền để người tiêu dùng tìm đến với sản phẩm.
Nông sản thực phẩm muốn có giá trị cần phải xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, việc công nhận thương hiệu một cách tràn lan, công nhận xong rồi thiếu sự chăm sóc, đầu tư, quảng bá thì việc làm này có cũng như không.
Theo: Lao động