Khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đến doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh và tuyên bố giải thế. Điều này ảnh hưởng lớn nhất đến những người lao động trong công ty khi bị mất việc làm. Vì vậy, pháp luật lao động đặt ra quy định về các khoản trợ cấp cho người lao động nhằm hỗ trợ họ trước khi tìm được việc làm mới.
>> Tìm hiểu bài viết về đăng ký doanh nghiệp trực tuyến: Hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp trực tuyến
Những trường hợp doanh nghiệp được giải thể
Theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp giải thể trong các trường hợp:
- Kết thúc thời hạn hoạt động ghi trong Điều lệ doanh nghiệp mà không có quyết định gia hạn;
- Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định trong 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy sẽ có trường hợp doanh nghiệp buộc phải giải thể theo quy định của pháp luật hoặc doanh nghiệp tự nguyện giải thể khi thấy hoạt động kinh doanh thua lỗ.
Các khoản trợ cấp cho người lao động khi công ty giải thể
Khi không đạt được mục tiêu lợi nhuận đã đặt ra ban đầu cũng như không thể khắc phục tình hình sản xuất kinh doanh dẫn đến thua lỗ, nhiều chủ doanh nghiệp đã lựa chọn phương án giải thể.
Lúc này, theo Điều 47 Bộ luật Lao động hiện hành, doanh nghiệp phải ưu tiên thanh toán tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết.
Về trợ cấp thôi việc
Khi doanh nghiệp giải thể (chấm dứt hoạt động theo khoản 7 Điều 36 Bộ luật Lao động 2012), nếu người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên thì nhận trợ cấp thôi việc với mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Trong đó:
– Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
– Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
Về trợ cấp thất nghiệp
Loại trợ cấp này được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động thay vì doanh nghiệp nơi người lao động làm việc với mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi không còn việc làm.
Tuy nhiên, người lao động phải có đủ 04 điều kiện theo Điều 49 Luật Việc làm năm 2013:
Chấm dứt hợp đồng lao động trừ khi đơn phương chấm dứt trái pháp luật hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng xác định thời hạn/không xác định thời hạn hoặc trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;
– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm;
– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ, trừ một số trường hợp nhất định.
Ngoài 02 khoản trợ cấp nêu trên, người lao động còn được nhận lại sổ bảo hiểm xã hội, các giấy tờ mà doanh nghiệp đã giữ lại của mình và các chế độ quyền lợi khác (nếu có).
Như vậy, các quy định của pháp luật luôn ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người lao động, đảm bảo họ có các quyền lợi và nghĩa vụ trong quá trình tham gia lao động.
Trên đây là nội dung chúng tôi đã cùng bạn tìm hiểu. Nếu Quý khách hàng có những vấn đề, thắc cần cần giải đáp có thể liên hệ trực tiếp với Phan Law qua thông tin dưới đây:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn