Đăng ký tạm ngừng kinh doanh là thủ tục pháp lý mà doanh nghiệp thực hiện khi muốn tạm dừng toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là một quyền lợi của doanh nghiệp, nhưng phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh gồm những gì?

Có nhiều lý do dẫn đến việc doanh nghiệp mong muốn tạm ngừng kinh doanh, điển hình như: khó khăn về tài chính, thị trường biến động, cơ sở vật chất, sự kiện bất khả kháng, chiến lược kinh doanh,…
Theo quy định, “Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh trước 03 ngày làm việc kể từ ngày tạm ngừng kinh doanh. Cần lưu ý rằng, tạm ngừng kinh doanh sẽ khác hoàn toàn với giải thể doanh nghiệp vì đây chỉ là việc tạm dừng hoạt động trong một thời gian nhất định, còn giải thể doanh nghiệp là chấm dứt hoàn toàn hoạt động của doanh nghiệp.
Theo khoản 1 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, ngày doanh nghiệp chuyển sang tình trạng “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh, còn ngày kết thúc tình trạng “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh bao gồm những thành phần sau:
- Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh theo Mẫu tại Phụ lục II-19 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh;
- Giấy ủy quyền và giấy tờ pháp lý của người được ủy quyền trong trường hợp ủy quyền nộp hồ sơ.
Thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh thực hiện như thế nào?

Theo Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc đăng ký tạm ngừng kinh doanh sẽ được thực hiện qua các bước sau:
- Bước 1: Chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp bộ hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở;
- Bước 2: Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;
- Bước 3: Sau đó, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp và tình trạng của tất cả các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh.
Doanh nghiệp không nhất thiết phải kinh doanh đúng theo thời hạn đã thông báo mà có thể kinh doanh trước thời hạn và phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Nếu hồ sơ thông báo hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đồng thời với tình trạng của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam về vấn đề “Hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh gồm những gì?” xin được thông tin đến Quý Khách hàng. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư