Trong bối cảnh hội nhập kinh tế cùng với sự thâm nhập thị trường của hàng loạt các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, việc nâng cao sức cạnh tranh là một yếu tố mang tính chất chiến lược đối với sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp. Có thể bạn sẽ đặt ngay câu hỏi rằng, vậy thì làm thế nào để một doanh nghiệp có thể nâng cao sức cạnh tranh?
Chìa khóa để giải quyết vấn đề nằm trong chính nội tại của công ty bạn. Để có thể đứng vững được trên thị trường, trước hết bản thân của doanh nghiệp bạn phải “khỏe mạnh”, tức phải có một cơ cấu quản trị hoàn thiện. Rõ ràng, bạn không thể vận hành thông suốt một bộ máy nếu như bạn gặp rắc rối ở khâu này.
Trước tiên, Phan Law Vietnam sẽ giúp bạn có một cái nhìn thấu đáo hơn về cơ cấu quản trị của các loại hình doanh nghiệp và qua đó bạn sẽ lựa chọn ra một cơ cấu tổ chức phù hợp nhất với loại hình tương ứng của doanh nghiệp bạn.
Cơ cấu quản trị doanh nghiệp là gì?
Cơ cấu quản trị doanh nghiệp là một hệ thống các cơ chế mà công ty được điều hành và quản lý theo cơ chế đó. Trong đó, doanh nghiệp xác định rõ sự phân chia quyền lợi và trách nhiệm giữa những thành viên khác nhau trong công ty, đồng thời có sự tương trợ giữa các bộ phận được phân chia giúp cho việc vận hành hệ thống hoạt động kinh doanh trở nên đồng bộ và thống nhất. Hay nói một cách hình tượng, dễ hiểu hơn, nếu bộ máy vận hành của công ty bạn là một bạn cờ, thì việc lựa chọn, sắp xếp, phân chia các quân cờ vào những vị trí thích hợp để có những nước đi chiến lược chính là cơ cấu tổ chức quản trị.
Công ty cổ phần
Cơ cấu tổ chức quản lí công ty cổ phần gồm:
- Đại hội đồng cổ đông
- Hội đồng quản trị
- Giám đốc (tổng giám đốc)
- Ban kiểm soát
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty được quy định tại Điều lệ công ty.
Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần
Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông
Đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát.
Công ty trách nhiệm hữu hạn
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Cơ cấu tổ chức của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên gồm: hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc, ban kiểm soát. Trong đó:
- Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
- Hội đồng thành viên gồm các thành viên, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty.
- Ban kiểm soát: Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ mười một thành viên trở lên phải thành lập ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn mười một thành viên, có thể thành lập ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị của công ty.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Cơ cấu tổ chức quản lí của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức:
Chủ sở hữu công ty bổ nhiệm một hoặc một số người đại diện theo uỷ quyền với nhiệm kỳ không quá năm năm để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và pháp luật có liên quan.
Chủ sở hữu công ty có quyền thay thế người đại diện theo uỷ quyền bất cứ khi nào.
Trường hợp có ít nhất hai người được bổ nhiệm làm đại diện theo uỷ quyền thì cơ cấu tổ chức quản lý của công ty bao gồm Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên; trong trường hợp này, Hội đồng thành viên gồm tất cả người đại diện theo uỷ quyền.
Trường hợp một người được bổ nhiệm làm người đại diện theo uỷ quyền thì người đó làm Chủ tịch công ty; trong trường hợp này cơ cấu tổ chức quản lý của công ty bao gồm Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.
Chức năng, quyền và nhiệm vụ của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên quy định như sau:
Hội đồng thành viên: Hội đồng thành viên nhân danh chủ sở hữu công ty tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; có quyền nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật doanh nghiệp mới và pháp luật có liên quan. Quyền, nghĩa vụ, nhiệm vụ cụ thể và chế độ làm việc của Hội đồng thành viên đối với chủ sở hữu công ty được thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật có liên quan
Chủ tịch công ty: Chủ tịch công ty nhân danh chủ sở hữu tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; có quyền nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan. Quyền, nghĩa vụ, nhiệm vụ cụ thể và chế độ làm việc của Chủ tịch công ty đối với chủ sở hữu công ty được thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật có liên quan. Quyết định của Chủ tịch công ty về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty có giá trị pháp lý kể từ ngày được chủ sở hữu công ty phê duyệt, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc: Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc với nhiệm kỳ không quá năm năm để điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình.
Kiểm soát viên: Chủ sở hữu công ty bổ nhiệm một đến ba Kiểm soát viên với nhiệm kỳ không quá ba năm. Kiểm soát viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình
Cơ cấu tỏ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân gồm: chủ tịch công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc. Trong đó, chủ sở hữu công ty đồng thời là chủ tịch công ty. Chủ tịch công ty hoặc giám đốc hoặc tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty theo quy định tại điều lệ công ty. Chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm hoặc thuê người khác làm giám đốc hoặc tổng giám đốc.
Công ty hợp danh
Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty hợp danh gồm: Hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc. Trong đó:
Hội đồng thành viên bao gồm tất cả các thành viên của công ty hợp danh hợp lại. Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh làm chủ tịch hội đồng thành viên, đồng thời kiêm giám đốc hoặc tổng giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty nếu điều lệ công ty không có quy định khác.
Doanh nghiệp tư nhân
Đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân thì đây là loại hình do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp tư nhân cũng gọn nhẹ và linh động hơn. Cụ thể hơn, chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp có thể trực tiếp hoặc thuê người quản lí, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hợp tác xã
Cơ cấu tổ chức của hợp tác xã gồm: đại hội xã viên; ban quản trị hợp tác xã; ban kiểm soát.
Trong đó:
– Chủ nhiệm hợp tác xã là đại diện hợp tác xã theo pháp luật.
– Đại hội xã viên có quyền quyết định cao nhất của hợp tác xã.
– Hợp tác xã có nhiều xã viên thì có thể tổ chức Đại hội đại biểu xã viên; việc bầu đại biểu xã viên đi dự Đại hội đại biểu xã viên do Điều lệ hợp tác xã quy định. Đại hội đại biểu xã viên và Đại hội toàn thể xã viên (sau đây gọi chung là Đại hội xã viên) có quyền và nhiệm vụ như nhau.
Đại hội xã viên thường kỳ họp mỗi năm một lần do Ban quản trị triệu tập trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày khoá sổ quyết toán năm.
Đại hội xã viên bất thường do Ban quản trị hoặc Ban kiểm soát của hợp tác xã triệu tập để quyết định những vấn đề cần thiết vượt quá quyền hạn của Ban quản trị hoặc của Ban kiểm soát.
– Ban quản trị hợp tác xã là bộ máy quản lý hợp tác xã do Đại hội xã viên bầu trực tiếp, gồm Trưởng Ban quản trị và các thành viên khác. Số lượng thành viên Ban quản trị do Điều lệ hợp tác xã quy định.
Nhiệm kỳ của Ban quản trị hợp tác xã do Điều lệ hợp tác xã quy định nhưng tối thiểu là hai năm và tối đa không quá năm năm.
– Ban kiểm soát là bộ máy giám sát và kiểm tra mọi hoạt động của hợp tác xã theo đúng pháp luật và Điều lệ hợp tác xã.
Ban kiểm soát do Đại hội xã viên bầu trực tiếp. Số lượng thành viên Ban kiểm soát do Điều lệ hợp tác xã quy định; hợp tác xã có ít xã viên có thể chỉ bầu một kiểm soát viên.
Nhiệm kỳ của Ban kiểm soát theo nhiệm kỳ của Ban quản trị.
Tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp
Như Phan Law Vietnam đã đề cập ở trên, một trong những thách thức lớn đối với Doanh nghiệp Việt Nam sau khi gia nhập WTO là tiếp tục duy trì vị thế cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa và mở rộng ra thị trường thế giới. Trong bối cảnh đó, mỗi doanh nghiệp sẽ phải tìm cho mình một lợi thế cạnh tranh nhất định trong “sân chơi lớn”. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp cũng như các rủi ro trong công tác điều hành hoạt động.
Nếu doanh nghiệp bạn cũng nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề này thì chúng tôi nghĩ rằng, bản thân doanh nghiệp bạn đang nắm giữ một lợi thế rất lớn. Bởi lẽ, khi bạn biết được “cơ thể” của mình “mắc bệnh” gì thì bạn sẽ dễ dàng tìm ra được “phương thuốc” để chữa trị nó hơn. Mặt khác, khắc phục được những khiếm khuyết nội tại này không những giảm rủi ro cho doanh nghiệp bạn mà uy tín của doanh nghiệp bạn cũng sẽ được nâng lên rất nhiều trong mắt của các nhà đầu tư.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn