Bất cứ một chủ thể nào có mong muốn thành lập doanh nghiệp đều phải thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Chỉ có cơ quan này mới có thẩm quyền xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho chủ thể kinh doanh. Nếu hồ sơ đăng ký không được nộp đúng nơi quy định thì quá trình đăng ký không thể diễn ra. Vì vậy trước khi bắt đầu thủ tục thì người thực hiện cần xác định được địa điểm nộp đơn đăng ký.
Quy định về cơ quan đăng ký thành lập doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 78/2015/NĐ-CP Nghị định về đăng ký doanh nghiệp thì cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), bao gồm:
– Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh). Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh.
Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập thêm một hoặc hai Phòng Đăng ký kinh doanh và được đánh số theo thứ tự. Việc thành lập thêm Phòng Đăng ký kinh doanh do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
– Ở cấp huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ kinh doanh quy định tại Điều 15 Nghị định này (sau đây gọi chung là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).
Đặc biệt vì có thẩm quyền chuyên biệt nên cơ quan đăng ký kinh doanh cũng có tài khoản và con dấu riêng để sử dụng trong quá trình hoạt động.
Trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh
Trong quá trình đăng ký doanh nghiệp thì cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp. Cơ quan không có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp giữa các thành viên, cổ đông của công ty với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác hoặc giữa doanh nghiệp với tổ chức, cá nhân khác. Ngoài ra cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không được quyền yêu cầu người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
Để được cơ quan đăng ký thành lập doanh nghiệp cấp giấy chứng nhận thì doanh nghiệp phải thỏa mãn những điều kiện có liên quan. Doanh nghiệp có thể tìm hiểu rõ hơn vấn đề này trước khi thực hiện tại Phan Law Vietnam.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn