Trước tình hình kinh doanh khó khăn không thể tháo gỡ, nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) có khả năng sẽ nối gót rời sàn giao dịch chứng khoán.
Cảnh báo trước
Chiều 31/5, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của Công ty CP Đầu tư Căn nhà Mơ ước (DRH), cổ đông DRH bày tỏ lo ngại về khả năng DRH bị hủy niêm yết. Lý do là DRH đã thua lỗ 2 năm liên tiếp. Trong năm 2013, nếu DRH tiếp tục lỗ, sẽ bắt buộc rời sàn. Theo báo cáo thường niên 2012, DRH là DN hoạt động chính trong ngành kinh doanh BĐS.
Tuy nhiên, từ năm 2011, kinh doanh phân bón mới là nguồn thu chủ yếu của DRH. Mặc dù vậy, đây là ngành cho hiệu quả lợi nhuận thấp. Bằng chứng, trong năm 2012, dù doanh thu từ phân bón của DRH đạt hơn 221 tỷ đồng thì lãi gộp chỉ đạt 7,5 tỷ đồng. Nguồn lợi nhuận này không đủ bù vào các chi phí và những khoản trích lập dự phòng đầu tư dài hạn ở DRH.
Sang năm 2013, lãnh đạo DRH dự đoán, ngành nghề chính vẫn khó nên đặt nhiều hy vọng vào việc đẩy mạnh kinh doanh phân bón, với mục tiêu doanh số 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kết quả kinh doanh quý I/2013, doanh thu từ phân bón của DRH chỉ đạt 31,8 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ.
Ngoài nguồn này ra, DRH gần như không còn nguồn thu khác. Trong khi đó, chi phí lãi vay của DRH lại tăng 62% so với cùng kỳ. Với tình hình đó, lãnh đạo DRH có thể sẽ giảm kế hoạch kinh doanh và không loại trừ khả năng DRH tiếp tục lỗ trong năm 2013.
Cùng nỗi lo thua lỗ như DRH là Công ty CP Coma18 (CIG). Tính đến quý I/2013 là quý thứ 4 liên tiếp CIG lỗ. Theo giải trình từ Công ty thì kinh doanh đang rất khó khăn. Nguồn thu chủ yếu của CIG từ BĐS nhưng các dự án, công trình CIG triển khai đều đang thi công dang dở nên chưa thể ghi nhận vào doanh thu, lợi nhuận.
CIG trông nhờ vào mảng cơ khí và xây lắp. Nhưng vấn đề của CIG là tìm kiếm khách hàng, vốn cho thi công. Năm ngoái, vì thiếu vốn, CIG đã tạm ngừng thi công 3 tháng dự án tòa nhà Westa và không đạt giá trị xây lắp như kế hoạch.
Rõ ràng, trong bối cảnh thị trường ảm đạm, đầu tư công bị cắt giảm và nhiều đơn vị mất khả năng thanh toán, rất khó để “chuyển bại thành thắng”. Điều này đồng nghĩa, nhiều DN đang lỗ như DRH, CIG, Công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL), Công ty CP Đầu tư xây dựng Thành Nam (CSC), Nhà Việt Nam (NVN), Công ty CP Đâ BĐS Việt Nam (VNI)… có nguy cơ đối diện với án hủy niêm yết.
Tự rời trước khi bị rời
Tình thế chẳng đặng đừng, một số DN thua lỗ liên tiếp như Viglacera Đông Triều (DTC)… đã chọn giải pháp rời sàn tự nguyện thay vì đợi đến lúc bị buộc phải rời sàn. Nhiều chuyên gia đã suy đoán đến khả năng nhóm DN BĐS thua lỗ sẽ tính đến nước cờ tương tự.
Tuy nhiên, cho đến lúc này, theo ghi nhận từ thị trường, vẫn chưa có DN BĐS nào lên tiếng về một phương án rời sàn cụ thể. Theo giám đốc một công ty chứng khoán ở TP.HCM, có thể vì các DN vẫn còn hy vọng ở khả năng tự xoay xở. Đặc biệt, DN nào kịp mở rộng thêm ngành “tay trái” thì càng hy vọng.
Lý do thứ hai khiến DN BĐS vẫn chưa thể “dứt tình” vì thị trường chứng khoán đã và còn hứa hẹn mang lại những cơ hội cho họ. Điển hình, nhờ lên sàn, vốn điều lệ của Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG) đã tăng hơn 6 lần so với thời điểm mới niêm yết.
Theo báo cáo tài chính năm 2012, DXG vẫn còn 31,9 tỷ đồng từ thặng dư cổ phần. Hay lãnh đạo Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) đặt nhiều trông đợi ở lần phát hành thêm 13 triệu cổ phiếu sắp tới, ước thu về 130 tỷ đồng cho đầu tư dự án khu đô thị Nam Vĩnh Yên.
Vấn đề quan trọng cho DN muốn rời sàn là phải cân nhắc đến quyền lợi của cổ đông. Theo ghi nhận từ các đại hội cổ đông, một khi DN chưa tính được phương án bảo vệ quyền lợi cổ đông, giải pháp hủy niêm yết khó mong nhận được sự ủng hộ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu DN liên tiếp thua lỗ, rời sàn chỉ là chuyện sớm muộn.
Ngoài ra, nếu quy mô DN quá nhỏ, lãi dưới 1 – 2 tỷ đồng/năm như Công ty CP Đầu tư xây lắp Constrexim số 8 (CX8), Địa ốc 11 (D11), Công ty CP Đệ Tam (DTA)… thì rất thiếu động lực ở lại sàn. Đây cũng là những DN có giá cổ phiếu “bèo” (dưới 5.000 đồng/CP), thanh khoản thấp… Tính ra, niêm yết không mang lại giá trị cho các đơn vị này.
DN nào chưa từng hưởng quyền lợi từ niêm yết, hoặc muốn tự quyết mà không thông qua đại hội đồng cổ đông, không thích bị dòm ngó… thì ít nhiều có ý định rời sàn. Gộp chung các trường hợp lại, theo thống kê sơ lược, con số DN muốn hủy niêm yết ước chiếm gần một nửa số DN ngành BĐS.
Theo: XUÂN HÒA