Giải thể doanh nghiệp là thủ tục pháp lý được tiến hành trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 (Luật DN). Theo đó, các trường hợp giải thể được biết như: Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty, theo quyết định giải thể của công ty, Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định, Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cùng tìm hiểu về hoạt động của doanh nghiệp sau khi giải thể trong bài viết dưới đây của Phan Law nhé.
Các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp
Trước khi giải thể, doanh nghiệp đã tiến hành hoạt động trong một thời gian nhất định và chắc chắn sẽ tạo ra các giá trị thông qua các hợp đồng thương mại. Trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên liên quan, pháp luật có quy định cụ thể các hoạt động bị cấm của doanh nghiệp trong trường hợp này tại Điều 205 Luật DN như sau:
- Cất giấu, tẩu tán tài sản;
- Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;
- Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;
- Ký kết hợp đồng mới trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;
- Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;
- Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;
- Huy động vốn dưới mọi hình thức.
Có thể thấy, các quy định này nhằm bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với pháp luật, xã hội cũng như đối với các bên liên quan trực tiếp.
Thủ tục tiến hành giải thể doanh nghiệp
Để tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp, trước hết doanh nghiệp của bạn phải thực hiện cuộc họp riêng để thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp. Quyết định này sẽ có những nội dung sau: Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; Lý do giải thể; Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể; Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động; Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Tiếp theo đó, những người đứng đầu công ty có trách nhiệm tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 202 Luật DN: “Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp, đăng quyết định giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.”
Sau khi thanh toán hết các khoản nợ, trong thời gian 05 ngày, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi đề nghị giải thể cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trên đây là một số thông tin về việc giải thể doanh nghiệp và các hành vi bị cấm sau khi có quyết định giải thể doanh nghiệp. Trong trường hợp bạn cần được hỗ trợ chi tiết hơn nữa, hãy trực tiếp liên hệ với Phan Law Vietnam thông qua:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.88888
Email: info@phan.vn