Công ty cổ phần là một trong những loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay. Loại hình công ty này thường có nhiều thành viên, việc tổ chức quản lý khá phức tạp. Chính vì sự phức tạp này mà các quy định về thành viên trong công ty cổ phần được quy định khá chặt chẽ. Hãy cùng Phan Law tìm hiểu những quy định của pháp luật Việt Nam về thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần thông qua bài viết dưới đây.
Cập nhật lại bài viết theo Luật Doanh nghiệp 2020: Điều kiện trở thành thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần là gì?
Vai trò của Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần
Công ty cổ phần phân chia hoạt động quản lý và điều hành công ty thành hai cơ quan, trong đó Đại hội đồng cổ đông có thẩm quyền quyết định cao nhất của công ty, còn Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý, có quyền quyết định những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Hội đồng quản trị có chức năng chính là quản lý. Vai trò của Hội đồng quản trị công ty cổ phần được thể hiện qua nhiều quyền hạn như sau:
- Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
- Kiến nghị loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;
- Quyết định bán cổ phần mới trong phạm vi số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;
- Quyết định giá bán cổ phần và trái phiếu của công ty;
- Quyết định phương án đầu tư và dự án đầu tư trong thẩm quyền và giới hạn theo quy định của pháp luật;
- Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; Giám sát, chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty;
- …
Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần
Số thành viên trong Hội đồng quản trị được quy định phải từ 3 thành viên trở lên và không quá 11 thành viên. Số lượng cụ thể do Điều lệ công ty quy định
Thành viên Hội đồng quản trị phải có các tiêu chuẩn và điều kiện như: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.
Pháp luật không quy định thành viên HĐQT phải là thành viên của công ty bởi chức năng chính của HĐQT là chức năng quản lý, HĐQT không có thẩm quyền trong việc biểu quyết những quyết định của công ty, do vậy thành viên HĐQT không cần phải sở hữu cổ phần của công ty. Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác.
Đối với công ty con mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì thành viên Hội đồng quản trị không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; không được là người có liên quan của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.
Như vậy, chỉ cần là người có chuyên môn trong việc điều hành quản lý, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp là có thể trở thành thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần.
Trên đây là những thông tin về thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần.
Để được tư vấn các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, Quý khách hàng hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn