Từ trước đến nay Hợp đồng lao động và Hợp đồng Cộng tác viên thường bị nhầm lẫn là một trong những loại hợp đồng lao động. Tuy nhiên trên thực tế thì hai loại hợp đồng này gần như khác biệt về mọi khía cạnh. Việc không phân biệt được hai loại hình hợp đồng này dễ gây ra những sai sót. Để có thể dễ dàng nhìn nhận hợp đồng lao động với hợp đồng cộng tác viên thì có thể dựa trên các tiêu chí sau.
Thứ nhất, bản chất pháp lý của hợp đồng
Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật lao động 2012 thì hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Dựa trên quy định này có thể thấy mối quan hệ giữa cộng tác viên với nơi cộng tác không thể được hình thành trên cơ sở hợp đồng lao động. Thay vào đó là hợp đồng cộng tác viên bởi những chủ thể này là các cá nhân làm việc theo chế độ cộng tác với một tổ chức và không thuộc biên chế của tổ chức đó.
Căn cứ vào tính chất của hợp đồng cộng tác viên thì đây là một hình thức của hợp đồng dịch vụ. Trên cơ sở quy định tại Điều 513 Bộ luật dân sự thì hợp đồng này là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Thứ hai, hình thức hợp đồng
Xét về hình thức hợp đồng lao động thì theo Điều 16 Bộ luật lao động quy định phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản trừ trường hợp quy định khác. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.
Riêng với hợp đồng cộng tác viên thì không có quy định về hình thức bắt buộc nên áp dụng tương tự như với một hợp đồng dân sự thông thường. Vì vậy hợp đồng cộng tác viên có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
Thứ ba, nội dung chính của hợp đồng
Đối với hợp đồng lao động thì theo khoản 1 Điều 23 Bộ luật lao động 2012 thì phải đảm bảo các nội dung chính bao gồm:
– Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp
– Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động
– Công việc và địa điểm làm việc
– Thời hạn của hợp đồng lao động
– Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác
– Chế độ nâng bậc, nâng lương
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
– Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động
– Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế
– Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Với hợp đồng cộng tác viên thì không bắt buộc phải đảm bảo những nội dung cụ thể nào. Vì vậy các bên có quyền tự do thỏa thuận về nội dung của hợp đồng nhưng phải đảm bảo không trái với các quy định pháp luật.
Thứ tư, thời hạn hợp đồng
Tùy theo từng trường hợp mà thời hạn thực hiện hợp đồng lao động có thể khác nhau nhưng thông thường sẽ được xác định theo các căn cứ sau:
– Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định: dưới 12 tháng
– Hợp đồng lao động xác định thời hạn: từ đủ 12 tháng đến 36 tháng
– Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của Hợp đồng.
Về hợp đồng dịch vụ thì tùy vào đặc tính của công việc mà sẽ xác định thời hạn hợp đồng cộng tác viên theo thỏa thuận.
Thứ năm, đơn phương chấm dứt hợp đồng
Người lao động và người sử dụng lao động xác lập mối quan hệ lao động trong hợp đồng lao động đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên cần đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 37, Điều 38 Bộ luật lao động 2012.
Đối với hợp đồng cộng tác viên thì quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động diễn ra trong trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại. Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trên đây là một số tiêu chí cơ bản để có thể phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng cộng tác viên. Nếu cần tư vấn chi tiết hơn thì bạn có thể liên hệ về với Phan Law Vietnam theo thông tin dưới đây để được hỗ trợ.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn