Trong thời gian qua, Báo SGGP nhận được nhiều thư của bạn đọc đề nghị tư vấn pháp lý về những vấn đề phát sinh từ thực tiễn các quan hệ trong cuộc sống. Cùng với hoạt động luật sư trực tiếp tư vấn, giải đáp về pháp lý ngay tại Phòng Tiếp bạn đọc, Báo SGGP mở thêm chuyên mục “Luật sư của bạn” đăng bài các luật sư tư vấn những vấn đề pháp lý có nhiều bạn đọc quan tâm.
Con người luôn phải đối mặt với nguy cơ về những tai nạn, căn bệnh bất ngờ. Do vậy, việc chuẩn bị trước di chúc là việc làm thiết yếu của mỗi người. Trên thế giới, việc lập di chúc đã được phổ biến rộng rãi. Tại Việt Nam, những năm gần đây, khái niệm này cũng không còn xa lạ như trước nữa.
“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” – đây là một trong những quyền dân sự quan trọng của mỗi người, được pháp luật Việt Nam ghi nhận tại Điều 646 Bộ luật Dân sự 2005. Bộ luật này cũng quy định rõ ràng về các điều kiện để lập di chúc như sau: Về chủ thể, người lập di chúc là người đã thành niên và làm chủ được hành vi của mình, là người từ chưa đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi nếu được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Về hình thức, di chúc có thể được lập thành văn bản hoặc có thể là di chúc miệng, có thể tự ghi hoặc nhờ người khác ghi hộ; nội dung di chúc không được trái pháp luật và trái đạo đức… Như vậy, việc lập di chúc đã được pháp luật quy định một cách cụ thể, nhằm tránh các trường hợp tranh chấp có thể xảy ra, giúp bảo vệ quyền lợi cho người lập di chúc cũng như người được hưởng.
Nếu người chết không để lại di chúc sẽ rất dễ xảy ra tranh chấp di sản giữa những thành viên trong gia đình. Có 2 cách để giải quyết khi không thể tự thỏa thuận trong nội bộ các thành viên gia đình được, đó là đưa tranh chấp ra tòa án và nhờ đến luật sư. Dù chọn cách nào, việc này sẽ tốn khá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức, đặc biệt, tình cảm gia đình bị sứt mẻ là hoàn toàn có thể. Thực tế có nhiều trường hợp con cái, anh chị em ruột lôi nhau ra tòa để chia tài sản, người giám hộ lợi dụng khối tài sản đó để phục vụ cho mục đích riêng.
Điển hình là vụ bà P. ở quận Tân Phú đột tử, để lại khối tài sản gần 1.000 tỷ đồng mà không kịp để lại di chúc, dẫn đến việc tranh chấp di sản giữa người con nuôi và 6 anh chị em của người đã mất. Với khối di sản lớn, có tranh chấp, vụ việc này đã được đưa ra tòa và xử kín. Qua vụ việc này cho thấy, nếu bà P. sớm lập di chúc, mọi việc đã không phải tốn quá nhiều thời gian, công sức và không cần phải có quá nhiều sự tham gia của các chủ thể khác. Liệu rằng tình cảm giữa người con nuôi với các anh chị của người đã mất có còn được như xưa nữa không?
Phải chăng chỉ những người hiện đang sở hữu khối tài sản lớn hoặc gia đình đông con mới cần lập di chúc? Thật ra, lập di chúc là điều cần thiết đối với mọi trường hợp và mọi gia đình. Bởi lẽ, không ai có thể dự đoán được những tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai, nhưng khả năng hứng chịu hậu quả sau những tranh chấp đó là rất lớn. Việc có lập di chúc hay không là tùy ở nhu cầu và nguyện vọng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, nếu đã có mong muốn lập di chúc nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý hoặc các luật sư để đảm bảo di chúc được lập hợp pháp và đảm bảo an toàn, tránh các tranh chấp phát sinh ngoài ý muốn về sau.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.88888
Email: info@phan.vn