Về bản chất tạm ngừng kinh doanh và giải thể doanh nghiệp đều có bản chất là doanh nghiệp không hoạt động kinh doanh nữa. Tuy nhiên như tên gọi “tạm ngừng kinh doanh”, “giải thể” đã nêu rõ giới hạn về mặt thời gian của hai hình thức này. Bài viết dưới đây sẽ cho Quý vị cái nhìn chung để có thể phân biệt giải thể doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh. Mời các bạn theo dõi bài viết.
Giải thể doanh nghiệp được hiểu như thế nào?
Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của một doanh nghiệp theo ý chí của doanh nghiệp hoặc của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể các trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục giải thể như sau:
Thứ nhất, giải thể tự nguyện
- Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn
- Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
Thứ hai, giải thể bắt buộc
- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Tạm ngừng kinh doanh được hiểu như thế nào?
Tạm ngừng kinh doanh được hiểu đơn giản là hoạt động tạm thời ngừng kinh doanh trong 1 khoảng thời gian tối đa theo luật định. Lúc này, doanh nghiệp vẫn tồn tại nhưng không được phép ký hợp đồng, xuất hóa đơn hay bất cứ hoạt động kinh doanh phát sinh giao dịch nào khác.
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Giải thể doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh khác nhau như thế nào?
Giải thể doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh có những sự khác nhau như sau:
Một là, giải thể doanh nghiệp là quá trình dẫn đến sự chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp đó. Tạm ngừng kinh doanh là trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định và sau khoảng thời gian đó, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.
Hai là, giải thể doanh nghiệp có thể là quyền của doanh nghiệp nếu giải thể tự nguyện, nhưng cũng có thể là giải thể bắt buộc nếu doanh nghiệp đó vi phạm pháp luật và bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh. Tạm ngừng kinh doanh là quyền của doanh nghiệp.
Ba là, giải thể doanh nghiệp bao giờ cũng dẫn đến chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, đóng Mã số thuế của doanh nghiệp. Tạm ngừng kinh doanh không làm chấm dứt hoàn toàn hoạt động của doanh nghiệp; doanh nghiệp chỉ tạm ngừng kinh doanh trong một thời gian nhất định, hết thời hạn đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động bình thường; trong thời gian tạm ngừng, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp có quy định khác.
Bốn là, trình tự thủ tục pháp lý khi tiến hành tạm ngừng kinh doanh thường nhanh chóng và đơn giản hơn so với trình tự thủ tục pháp lý khi tiến hành giải thể doanh nghiệp.
Trên đây là các nội dung tư vấn về phân biệt giải thể doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh. Nếu như có bất kỳ thắc mắc hay muốn được tư vấn thêm, hãy liên hệ Phan Law VietNam theo thông tin sau đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn