Mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng là những thuật ngữ mang tính pháp lý có khả năng gây nhầm lẫn nhiều nhất. Với những ai không có sự am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực này thì rất khó có thể phân biệt được. Việc hiểu sai ý nghĩa của hai tên gọi này dễ dẫn đến tình trạng không đảm bảo được quyền và lợi ích của mình. Trên thực tế, mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng gần như khác biệt và có thể phân định dựa trên các tiêu chí cụ thể.
Thứ nhất, định nghĩa
– Mức lương cơ sở: Dựa trên Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP thì mức lương cơ sở là mức lương được sử dụng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật, tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật và tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
– Mức lương tối thiểu vùng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 157/2018/NĐ-CP thì mmức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm.
Thứ hai, đối tượng áp dụng
– Mức lương cơ sở: Đối tượng áp dụng mức lương cơ sở quy định điều 2 Nghị định 38/2019/NĐ-CP bao gồm các chủ thể sau:
+ Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008.
+ Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008.
+ Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật viên chức năm 2010.
+ Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, gồm: Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
+ Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
+ Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
+ Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
– Mức lương tối thiểu vùng: Đối tượng áp dụng là các chủ thể quy định tại Điều 2 Nghị định 157/2018/NĐ-CP bao gồm:
+ Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động.
+ Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
+ Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
Thứ ba, mức lương
– Mức lương cơ sở: 1.490.000 đồng/tháng (khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP)
– Mức lương tối thiểu vùng: Tùy theo doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào mà mức lương này sẽ khác biệt. Cụ thể theo theo định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 157/2018/NĐ-CP:
+ Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I
+ Mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II
+ Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III
+ Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV
Thứ tư, cách thức áp dụng
– Mức lương cơ sở: Tùy theo đối tượng được áp dụng mà cách thức tính lương, phụ cấp, hoạt động phí trên nền tảng lương cơ sở sẽ khác biệt. Cụ thể đối với đối tượng hưởng lương, phụ cấp là các chủ thể trong cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và hội thì cách thức áp dụng theo quy định tại Thông tư 04/2019/TT-BNV. Còn đối với đối tượng áp dụng là các chủ thể đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách Nhà nước trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng thì cách thức thực hiện mức lương cơ sở sẽ theo quy định tại Thông tư 79/2019/TT-BQP. Nhưng nhìn chung thì mức lương, phụ cấp, trợ cấp của những đối tượng này sẽ được tính bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số lương, hệ số hiện thưởng, hệ số phụ cấp…
– Mức lương tối thiểu vùng: Dựa trên mức lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng mà người lao động và doanh nghiệp sẽ có thỏa thuận phù hợp. Tuy nhiên sự thỏa thuận đó cần bảo đảm:
+ Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất
+ Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định
Hy vọng với những chia sẻ trên đây của Phan Law Vietnam đã giúp bạn phân định rõ ràng hơn về sự khác biệt giữa mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng. Nếu cần giải đáp nhiều hơn thì bạn có thể liên hệ về thông tin dưới đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn