Nguồn gốc, ý nghĩa phong tục phát tiền lì xì tết
Theo lịch sử, việc phát tiền lì xì bắt nguồn từ xa xưa ở Trung Quốc. Thời Minh – Thanh, người dân sử dụng một mảnh giấy đỏ hình vuông thô để bọc những đồng xu bằng đồng hoặc bạc, niêm phong lại và gửi tặng cho trẻ con vào dịp Tết để xua đuổi chuyện xấu trong năm.
Dần dần, thói quen này phát triển thành tục lệ phát tiền lì xì đầu năm. Những người lớn sẽ bỏ vào bao lì xì đỏ một ít tiền, thường là số chẵn, để tặng cho trẻ con và những người trẻ chưa lập gia đình. Hoặc, những người đã đi làm cũng có thể lì xì ngược lại cho ông bà, cha mẹ để cầu chúc ông bà, cha mẹ được sức khỏe trong năm mới.
Theo một số chuyên gia, từ “lì xì” có gốc là từ 利市 (lợi thị) trong tiếng Quảng Đông (Trung Quốc). Từ này có phiên âm pinyin là “lì shì”, người Việt đọc trại thành lì xì. Lợi thị hay lì xì đều chỉ việc được lợi, có tiền, có may mắn. Theo đó, tục lệ phát tiền lì xì đầu năm mang ý nghĩa cho tiền để lấy hên, cầu may mắn, phát tài.
Những bao lì xì bằng giấy in đầu tiên xuất hiện vào khoảng năm 1900, khi việc in ấn bắt đầu được phổ biến. Cho đến ngày nay, bao lì xì cũng đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, câu chúc. Thậm chí, việc lì xì hiện tại cũng không cần sử dụng bao bì, mà có thể chuyển khoản trực tiếp.
Dù thay đổi thế nào, ý nghĩa chung nhất của việc phát lì xì tết vẫn không thay đổi, đó là duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống Á Đông và cầu chúc may mắn cho năm mới.
Cẩn trọng lì xì tết cho người có chức vụ, cấp trên
Có trường hợp phạm tội hối lộ qua việc tặng lì xì tết cho cấp trên. Do đó, chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau đây trước khi tặng lì xì cho người có chức vụ.
Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức không được nhận tiền lì xì từ cấp dưới.
Điều 25 Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Theo đó, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm sẽ bị kỷ luật từ mức khiển trách đến mức cách chức, buộc thôi việc, tùy mức độ nghiêm trọng, căn cứ Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ hai, về phía người lì xì, trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành Tội đưa hối lộ Điều 364 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, thì người phạm tội bị phạt nhẹ nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nặng nhất, người phạm tội sẽ bị bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng.
Biến tướng xấu của tiền lì xì tết đầu năm
Trong thời gian đón năm mới, một số tội phạm mặc áo Thần Tài, Ông Địa mang chiêng, trống, múa lân đến nhà dân hoặc công ty, cưỡng ép phát tiền lì xì. Để tránh mất vui dịp Tết, nhiều người đã phải chịu ngậm bồ hòn làm ngọt, lì xì cho qua.
Song song, còn có trường hợp tặng lì xì ảo trên mạng xã hội nhưng thực tế là một hình thức lừa đảo, dụ nạn nhân nhấp vào đường dẫn độc hại để lấy thông tin ngân hàng, hoặc lừa chuyển khoản phí nhận tiền lì xì,…
Những hành vi này đều có thể cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Ngoài ra, việc lì xì Tết cũng dần mất vui khi người nhận lì xì thường mang tâm lý so bì giá trị ít nhiều, chê bai. Mặc dù biết rằng việc lì xì tết chỉ mang tính hình thức như một tục lệ cầu may đầu năm, nhưng nhiều mâu thuẫn đã diễn ra vì người nhận không được như ý, làm dấy lên cuộc tranh luận có nên bỏ tục lệ lì xì tết hay không.
Dịch vụ tư vấn của Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam
Để được hỗ trợ giải đáp các vướng mắc pháp luật một cách nhanh chóng và hiệu quả, Quý Khách hàng hãy liên hệ Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam.
Dịch vụ tư vấn của Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam đảm bảo giải quyết những khó khăn, đề xuất phương án khả thi giúp Quý Khách hàng bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư