Khi nói đến các điện thoại thương hiệu Việt của các công ty trong nước như FPT, Q-mobile, Viettel hay Mobiistar, không ít người tiêu dùng tỏ ra nghi ngờ và cho rằng danh xưng “thương hiệu Việt” trong các sản phẩm này không xứng đáng.
Bài viết này hi vọng sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu một cách sơ bộ về các mô hình sản xuất smartphone hiện nay, qua đó có thể phần nào hiểu được bản chất của các điện thoại thương hiệu Việt hiện nay.
Điện thoại thông minh (smartphone) đang là lĩnh vực sôi động nhất trong ngành công nghệ vài năm gần đây. Các ông lớn như Apple, Samsung, HTC, Sony, Nokia, BlackBerry hay LG liên tục ra mắt sản phẩm tích hợp các tính năng công nghệ mới để thu hút người dùng. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất điện thoại mới đến từ Trung Quốc như Huawei, ZTE, Xiaomi và Lenovo cũng đang phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt là ở phân khúc giá rẻ.
Ở khía cạnh sản xuất, các công ty sản xuất smartphone hiện tại có hai mô hình cơ bản để lựa chọn: mô hình OEM và mô hình ODM.
Nhà sản xuất điện thoại OEM là gì?
OEM (Original Equipment Manufacture – nhà sản xuất thiết bị gốc) là những công ty thực sự thiết kế và chế tạo ra các sản phẩm smartphone thực thụ. Họ thực hiện từ khâu thiết kế tạo dáng sản phẩm, thiết kế cơ khí, đến thiết kế bo mạch điện tử bên trong (mua linh kiện về và tích hợp trên bo mạch) và thường tự phân phối bán sản phẩm dưới tên thương hiệu của họ.
Trong số các OEM về smartphone, một số công ty tự mở nhà máy sản xuất như Samsung, Nokia hay LG, còn một số thuê các công ty gia công khâu sản xuất, điển hình là trường hợp của Apple đang thuê công ty Foxconn và các công ty khác của Đài Loan.
Các OEM lớn trong lĩnh vực smartphone hiện nay gồm có Apple, Samsung, HTC, Nokia, LG, BlackBerry, Motorola và Sony.
Thời gian gần đây, thị trường smartphone thế giới đang nổi lên một số tên tuổi mới đến từ Trung Quốc như Huawei, ZTE, Lenovo và Xiaomi.
Cuối tháng tư vừa qua, hãng Xiaomi đã lập kỉ lục bán 200.000 smartphone Xiaomi M2S qua mạng chỉ trong vòng 45 giây. Còn theo số liệu của hãng nghiên cứu Strategy Analytics, Lenovo chỉ sau thời gian ngắn tham gia vào thị trường smartphone đã có được vị trí thứ hai trong thị trường smartphone của Trung Quốc vào năm 2012 với 13,2% và chỉ đứng sau Samsung.
Thị phần các OEM trong thị trường điện thoại vào Q4/2012. Nguồn ABI Research
Mô hình OEM mang lại nhiều ưu thế cho các nhà sản xuất. Do phải tham gia vào toàn bộ quá trình sản xuất, các công ty OEM có thể chủ động về thiết kế kiểu dáng và chức năng của chiếc điện thoại. Đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm của họ với các nhà sản xuất khác. Sự chủ động giúp các OEM có thể kiểm soát thời gian ra mắt sản phẩm, sản lượng sản xuất và quá trình nâng cấp sản phẩm mới nhanh hơn do nắm bắt được công nghệ cốt lõi.
Xét trên trên phương diện vĩ mô, mô hình này còn giúp phát triển hệ thống phụ trợ, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa và thậm chí trở thành niềm tự hào của các quốc gia. Chẳng hạn Samsung đang đóng góp 17% GDP Hàn Quốc.
Tuy nhiên, để sản xuất điện thoại theo mô hình OEM không đơn giản. Nó đòi hỏi nhà sản xuất phải có sự đầu tư cả tài chính, đội ngũ nhân sự trình độ cao và thời gian nghiên cứu để triển khai được sản phẩm thường là rất lâu. Các công ty bắt tay vào nghiên cứu từ đầu thường mất vài năm mới có sản phẩm thương mại.
Chẳng hạn Apple bắt tay vào phát triển iPhone từ năm 2004 và đến năm 2007 thì chiếc iPhone thế hệ đầu tiên của họ mới ra đời. Kể cả với mô hình sản xuất smartphone hiện nay – các công ty OEM được cung cấp thiết kế tham chiếu (Reference Design) thì thời gian nghiên cứu phát triển cũng có thể mất tới 1-2 năm để hoàn thành một sản phẩm. Thời gian nghiên cứu phát triển từ các thiết kế tham chiếu bao gồm thời gian tìm kiếm giải pháp, thời gian nhập linh kiện, kiểm thử, sản xuất bản thử nghiệm (prototype) và tiếp đến là thời gian để sản xuất hàng loạt.
ODM là gì?
ODM (Original Designed Manufacture) là hình thức thức đặt hàng. Ở đây có thể chia ra làm hai loại: nhà sản xuất ODM và công ty đặt hàng ODM.
Nhà sản xuất ODM là các nhà sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của một khách hàng nào đó hoặc là họ chủ động sản xuất sẵn ra các dòng smartphone cung cấp cho các khách hàng lựa chọn luôn nếu thấy phù hợp với nhu cầu của mình.
Công ty đặt hàng ODM là công ty mua sẵn một dòng sản phẩm smartphone nào đó của nhà sản xuất ODM; hoặc là họ đặt ra đề bài, đưa ra yêu cầu về một dòng sản phẩm nào đó, sau đó đặt hàng nhà sản xuất ODM thiết kế và chế tạo. Sau khi có sản phẩm, công ty đặt hàng này sẽ dán tên thương hiệu của mình lên dòng sản phẩm đó.
Các nhà sản xuất ODM lớn hiện nay chủ yếu là các công ty Đài Loan như Foxconn, Arima Communications, Compal Communications… và các công ty Trung Quốc như WingTec, BYD, G Five và Longcheer.
Các ưu điểm của hình thức đặt hàng ODM là nhanh có sản phẩm bán ra thị trường; không phải đầu tư tiền cho nghiên cứu trong một thời gian dài; giá thành sản xuất rẻ vì một nhà sản xuất ODM có thể cung cấp một dòng sản phẩm cho nhiều khách hàng khác nhau, số lượng tăng lên đồng nghĩa giá thành sản xuất sẽ rẻ hơn.
Tuy vậy, nhược điểm của mô hình này là sản lượng phụ thuộc vào đối tác sản xuất ODM và việc nâng cấp cũng phụ thuộc vào đối tác sản xuất ODM.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là cho đến nay, sản phẩm smartphone được sản xuất theo hình thức ODM thường là hàng phổ thông và không thể sánh được với sản phẩm OEM xét về thương hiệu, uy tín.
Sản phẩm OEM và sản phẩm ODM khác nhau như thế nào?
Sản phẩm OEM là sản phẩm chính công ty mang thương hiệu đó sản xuất và chỉ có thể dùng cho thương hiệu đó, không lo ngại bị lạm dụng bởi công ty khác.
Còn sản phẩm ODM khác hẳn. Công ty mang thương hiệu trên sản phẩm có thể có sở hữu độc quyền sản phẩm được tạo ra nhưng cũng có thể không có quyền sở hữu độc quyền. Trong trường hợp không có quyền sở hữu thì các công ty khác có quyền mua sản phẩm đó và đặt tên thương hiệu của họ lên dòng sản phẩm đó.
Vài khái niệm khác
Ngoài ra, có vài khái niệm khác liên quan đến hoạt động sản xuất smartphone như “AfterMarket”, hàng nhái (fake product) và các IDH (Independent Design House – nhà thiết kế độc lập).
AfterMarket là mô hình công ty sản xuất phụ tùng thay thế, loại phụ tùng này do các công ty ngoài chứ không phải là nhà cung cấp chính hãng. Sản xuất đồ thay thế cho một loại sản phẩm, một thương hiệu nhưng không liên quan đến nhà sản xuất. Chúng ta có thể thấy các sản phẩm thay thế phổ biến ở những sản phẩm được ưa chuộng, điển hình là iPhone của Apple. Hiện tại, những người dùng iPhone bị hỏng màn hình không còn bảo hành hoặc là hàng xách tay (không có bảo hành chính hãng) có thể dễ dàng mua một màn hình với giá từ 600.000 đồng đến khoảng 1 triệu đồng để thay. Đây là những màn hình từ các cung cấp phụ tùng thay thế chủ yếu là từ Trung Quốc hoặc Đài Loan, chứ không phải là màn hình chính hãng của Apple.
Hàng nhái là mô hình công ty sản xuất “nhái” các dòng sản phẩm đang có tiếng trên thị trường. Họ dựa vào thương hiệu sẵn được gây dựng của các công ty OEM lớn, rồi làm ra các sản phẩm giống hệt về kiểu dáng sản phẩm nhưng với giá thành thì rẻ hơn nhiều lần so với hàng chính hãng – cũng đồng nghĩa với chất lượng cũng sẽ kém hơn.
Sản phẩm nhái phổ biến nhất là nhái iPhone và dòng Galaxy S (S II, S III và S4) để đáp ứng một cơ số khách hàng bình dân, ít tiền mà muốn cầm trên tay một sản phẩm “trông” đẳng cấp, thời thượng.
Cách đây một hai năm, hàng nhái iPhone và Galaxy rất thịnh hành trên thị trường nhưng hiện nay các sản phẩm này cũng ít dần do gặp sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các smartphone giá rẻ của các công ty thành danh ở những vực khác tham gia vào thị trường smartphone như Lenovo (nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới) và ZTE (nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn).
IDH là những công ty sẽ thiết kế ra toàn bộ sản phẩm, sau đó bán thiết kế đó cho khách hàng. Các IDH sẽ không làm công việc sản xuất ra sản phẩm. Việc này sẽ giúp cho các công ty tiết kiệm được thời gian nghiên cứu và thiết kế, chỉ chú tâm vào công việc sản xuất ra sản phẩm để phân phối ra thị trường.
Các smartphone “thương hiệu Việt” được sản xuất theo mô hình nào?
Sau thành công của Q-mobile ở thị trường điện thoại cơ bản cách đây khoảng 4-5 năm, thị trường điện thoại trong nước bắt đầu rộ lên với sự tham gia của rất nhiều công ty. Đến giai đoạn hiện nay, làn sóng điện thoại “thương hiệu Việt” chỉ còn trụ lại vài đơn vị đáng kể như FPT, Viettel, Q-mobile và Mobiistar. Các đơn vị này bây giờ đang tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm smartphone giá rẻ chạy hệ điều hành Android.
Các công ty đang cung cấp các smartphone “thương hiệu Việt” trên thị trường chưa có công ty nào công khai nhận mình là OEM, hầu hết chỉ úp mở có tham gia thiết kế hoặc đặt hàng sản xuất ở Trung Quốc. Trong số này, chỉ có Viettel thông báo đã xây dựng được nhà máy sản xuất thiết bị điện thoại và USB 3G vào năm 2011 với kinh phí đầu tư 200 tỉ đồng. Nhà máy này của Viettel có năng lực sản xuất 5 triệu chiếc USB 3G và 3 triệu chiếc điện thoại mỗi năm.
Vào thời điểm năm 2011, Viettel tỏ rõ quyết tâm tham gia vào thị trường điện thoại để cung cấp không chỉ cho thị trường Việt Nam mà còn bán ở những quốc gia mà công ty này đầu tư mạng lưới dịch vụ di động như Lào, Campuchia, Haiti, Peru, Mozambique, Cameroon. Thậm chí, lãnh đạo Viettel cho biết họ đã xin được cơ chế trả lương nhiều nghìn USD mỗi tháng để thuê các kĩ sư thiết kế điện thoại có kinh nghiệm từ nước ngoài về làm việc. Sở dĩ Viettel phải xin cơ chế trả lương cao là bởi đây là tập đoàn nhà nước nên không thể tự do trả lương cao giống như các công ty tư nhân.
Tuy nhiên, nhìn vào những smartphone mang thương hiệu của Viettel đang bán trên thị trường, có thể nhận thấy họ chưa tham gia sâu vào quá trình sản xuất những sản phẩm này. Vào tháng 10/2012, Viettel đã bán ra thị trường chiếc smartphone đầu tiên mang thương hiệu của mình là chiếc Viettel V8403, được một số báo đưa tin là sản phẩm đầu tiên do công ty thiết kế và sản xuất. Tuy nhiên, những dấu hiệu thể trên sản phẩm lại cho thấy chiếc Viettel V8403 là sản phẩm của ZTE sản xuất và nó có thiết kế cũng như các thông số cấu hình y hệt sản phẩm ZTE V790 được bán ở các thị trường khác như Nga, Ấn Độ.
Dựa vào thông tin đó có thể dễ dàng đoán được Viettel đã chọn mua một dòng sản phẩm sẵn có của ZTE để độc quyền phân phối ở Việt Nam với thương hiệu riêng và bán kèm dịch vụ di động của mình. Sự tham gia của Viettel trong chuỗi sản xuất chiếc V8403 là khâu tiếp thị và phân phối sản phẩm. Như vậy, chiếc Viettel V8403 thực chất là điện thoại “mác Việt”.
Còn với chiếc Viettel V8404 mới bán ra hồi đầu năm nay, Viettel đã thông báo rõ ràng đây là sản phẩm của Huawei sản xuất và thương hiệu Huawei thể hiện rõ trên mặt sau của V8404. Với sản phẩm này, công việc của Viettel là nhập về phân phối theo dịch vụ.
Có thể Viettel đang âm thầm thiết kế các smartphone của riêng mình giống như các thương hiệu lớn khác đang làm nhưng ở thời điểm hiện tại, các smartphone của họ thực sự chỉ là mác Việt. Hi vọng với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và có trong tay nguồn lực khách hàng tiềm năng không nhỏ ở mảng dịch vụ viễn thông ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác, chúng ta sẽ sớm có những chiếc smartphone “made by Viettel” thực sự đủ sức cạnh tranh với những tên tuổi lớn.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được từ những nguồn tin yêu cầu dấu tên, hầu hết đều đang là khách hàng ODM đặt mua những sản phẩm có sẵn từ các công ty Trung Quốc như K-Touch. Thông thường, các công ty này chọn những sản phẩm đã chứng minh thành công thương mại khá tốt ở thị trường Trung Quốc hoặc những sản phẩm chứng tỏ sự ổn định để đặt hàng đưa về Việt Nam. Sau khi đặt hàng, các nhà sản xuất ODM Trung Quốc sẽ cài đặt phần mềm, giao diện và sản xuất vỏ có mác hiệu theo yêu cầu của các công ty Việt Nam.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các công ty smartphone “thương hiệu Việt”, nói một cách chính xác là “Mác Việt”, thường chỉ chọn các sản phẩm có sẵn ở Trung Quốc để đặt hàng. Lí do là vì nếu muốn thay đổi thiết kế phần cứng chẳng hạn như camera nhiều megapixel hơn hay vi xử lí mạnh hơn đều có thể dẫn đến sự gia tăng chi phí và thường đi kèm với yêu cầu số lượng đặt hàng lớn lên tới nhiều nghìn đơn vị sản phẩm.
Trong khi đó, việc nhập một số lượng lớn một mẫu sản phẩm về Việt Nam tiêu thụ là bài toán không dễ dàng, không chỉ ngốn khoản tiền lớn để nhập sản phẩm đó mà còn đòi hỏi nhà cung cấp có chiến dịch tiếp thị tương ứng để bán hết số lượng đó. Để tạo sự khác biệt nhằm thu hút khách hàng, các công ty thường chọn cách đầu tư vào phần mềm, cung cấp một số ứng dụng hoặc cải thiện giao diện phù hợp với người dùng Việt Nam.
Chọn cách dễ dàng là đặt hàng ODM các sản phẩm có sẵn từ Trung Quốc về dán mác và phân phối, các công ty Việt Nam có thể kiếm lời trong một thời gian vài năm. Tuy nhiên, tình hình sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn khi các công ty sản xuất smartphone giá rẻ Trung Quốc như Lenovo, ZTE, Huawei… đẩy mạnh sự hiện diện trực tiếp ở thị trường Việt Nam và hãng lớn như Nokia, Samsung và thậm chí cả Apple cũng bắt đầu chú tâm hơn đến phân khúc giá rẻ.
Nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ và chiến lược phát triển phù hợp, cục diện thị trường smartphone mác Việt có thể sẽ lặp lại tình cảnh giống như các thương hiệu điện thoại cơ bản gần đây, lần lượt biến mất dần trên thị trường như trường hợp thương hiệu Hi-mobile của HiPT hay Bluefone của CMC.
Theo: VnReview.