Ai có quyền thành lập doanh nghiệp?
Trong nền kinh tế hiện đại, việc thành lập doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ tạo cơ hội phát triển cho cá nhân, tổ chức mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. Ai có quyền thành lập doanh nghiệp là một vấn đề rất cần được quan tâm.
Pháp luật Việt Nam quy định rằng bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có đủ điều kiện đều có quyền thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp và tránh các vi phạm trong quá trình kinh doanh, các cá nhân, tổ chức cần hiểu rõ các quy định pháp lý liên quan đến quyền thành lập doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, mọi công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền thành lập doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là công dân không phân biệt giới tính, dân tộc, trình độ văn hóa đều có quyền khởi nghiệp và tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.


Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt bị hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp, đó là:
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Quyền thành lập doanh nghiệp của tổ chức
Không chỉ cá nhân, tổ chức cũng có quyền thành lập doanh nghiệp. Theo đó, việc thành lập doanh nghiệp của tổ chức phải tuân thủ các quy định về tư cách pháp nhân, vốn đầu tư và mục đích, phạm vi hoạt động của tổ chức đó.
Tuy nhiên, các trường hợp dưới đây sẽ bị cấm thành lập doanh nghiệp:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
- Tổ chức không có tư cách pháp nhân;
- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngoài các tổ chức trong nước, doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng phải tuân thủ các quy định về đầu tư theo cam kết quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài cần chú ý tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là các ngành nghề mà họ có thể hoặc không thể đầu tư vào theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.


Những lưu ý khác khi thành lập doanh nghiệp
Điều kiện đầu tiên để thành lập doanh nghiệp là phải có năng lực tài chính hoặc có khả năng huy động vốn để thực hiện các hoạt động kinh doanh. Điều này không chỉ giúp đảm bảo cho doanh nghiệp có thể hoạt động bền vững, mà còn góp phần trong việc quản lý rủi ro trong quá trình kinh doanh.
Ngoài ra, khi thành lập doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức cần phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này bao gồm việc chuẩn bị hồ sơ như: giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, điều lệ, danh sách cổ đông hoặc thành viên.
Sau khi hồ sơ được xem xét và chấp thuận, doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đánh dấu bước đầu tiên trong việc chính thức gia nhập thị trường.
Song song, các cá nhân và tổ chức cần lưu ý đến các điều kiện khác để hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, bao gồm việc góp vốn đúng hạn, hoàn thành các nghĩa vụ thuế với Nhà nước, đảm bảo các quyền lợi cho người lao động, quyền lợi người tiêu dùng, tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất và kinh doanh.
Trên đây là bài viết về Ai có quyền thành lập doanh nghiệp. Quý Khách hàng lưu ý việc thành lập doanh nghiệp không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm, đòi hỏi sự tuân thủ các quy định của pháp luật để hoạt động hiệu quả và có lợi cho cộng đồng.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư