Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp khá đặc biệt, thường được những nhà đầu tư có các mối quan hệ thân thiết lựa chọn cùng nhau thành lập và phát triển doanh nghiệp. Tuy vậy, trong quá trình hoạt động không thể tránh khỏi các lý do khiến những thành viên này không thể cùng nhau hợp tác được nữa.
Thành viên hợp danh của công ty hợp danh
Theo quy định tại Điều 171 Luật Doanh nghiệp 2014 (Luật DN), công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Sự khác biệt giữa thành viên hợp danh và thành viên góp vốn có thể thấy rõ nhất tại khoản trách nhiệm đi kèm. Thành viên hợp danh bắt buộc phải là cá nhân và chịu trách nhiệm vô hạn (bằng toàn bộ tài sản của mình) về các hoạt động của công ty. Trong khi đó, thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Các trường hợp khai trừ thành viên hợp danh của công ty hợp danh
Tuy thành viên hợp danh là thành viên trụ cột bắt buộc của loại hình công ty này, nhưng pháp luật vẫn cho phép và quy định rõ các trường hợp công ty hợp danh được phép khai trừ thành viên này. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 180 Luật DN có nêu rõ, thành viên hợp danh bị khai trừ khỏi công ty trong các trường hợp sau đây:
“a) Không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai;
- b) Vi phạm quy định tại Điều 175 của Luật này;
- c) Tiến hành công việc kinh doanh không trung thực, không cẩn trọng hoặc có hành vi không thích hợp khác gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của công ty và các thành viên khác;
- d) Không thực hiện đúng các nghĩa vụ của thành viên hợp danh.”
Điều 175 Luật DN là Điều luật quy định về những hạn chế của thành viên hợp danh, hay nói cách khác là những việc mà thành viên hợp danh không được phép làm khi đang tại chức. Cụ thể:
- Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại
- Thành viên hợp danh không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty đó để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
- Thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
Ngoài việc khai trừ, tư cách thành viên hợp danh cũng sẽ chấm dứt trong các trường hợp như: Tự nguyện rút vốn khỏi công ty; đã chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự; Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định. Chi tiết nhất về các vấn đề này, bạn có thể tham khảo thêm tại những bài viết trên trang http://Phan.vn hoặc trực tiếp liên hệ với Phan Law thông qua:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn