Trong thời đại bùng nổ truyền thông số và mạng xã hội, việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm đã trở thành một chiến lược phổ biến và hiệu quả trong marketing. Từ các ngôi sao điện ảnh, ca sĩ, MC, vận động viên đến các influencer trên mạng xã hội, sức ảnh hưởng của họ không chỉ tạo ra sự chú ý mà còn góp phần gia tăng đáng kể niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều tổ chức hoặc cá nhân đã tùy tiện sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng để tạo tài khoản giả mạo nhằm quảng cáo sản phẩm mà không có sự cho phép, dẫn đến vi phạm pháp luật.
Quyền đối với hình ảnh của cá nhân – người nổi tiếng
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh:
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể hiểu, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân (người nổi tiếng) cho mục đích thương mại, bắt buộc phải có sự đồng ý của người đó. Trong trường hợp sử dụng vì mục đích thương mại, bên sử dụng còn phải trả thù lao cho cá nhân đó, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Điều này nhằm bảo vệ quyền nhân thân, đảm bảo mỗi cá nhân được toàn quyền quyết định đối với hình ảnh của mình, đồng thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng để quảng cáo, trục lợi mà không có sự cho phép hoặc đền bù thỏa đáng. Người bị sử dụng hình ảnh trái phép có quyền yêu cầu bên có liên quan thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.


Bên cạnh đó, theo khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, “việc quảng cáo có sử dụng sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”, cũng là hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
Đồng thời, hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của cá nhân là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2006.
Do đó, việc sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh hoặc tên tuổi của người nổi tiếng trên không gian mạng phải được thực hiện một cách cẩn trọng, minh bạch và có sự đồng ý rõ ràng để tránh vi phạm pháp luật và xâm phạm quyền lợi hợp pháp của cá nhân liên quan.
Mức phạt đối với hành vi sử dụng trái phép hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo
Theo khoản 3 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng trái phép hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo như sau:
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ;
b) Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
Ngoài ra, nếu tạo tài khoản giả có sử dụng trái phép hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo gian dối về về hàng hóa, dịch vụ nào đó mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị khởi tố về tội quảng cáo gian dối quy định ở Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.


Theo Luật sư Hà Thị Kim Liên chia sẻ: Hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản mạng xã hội quảng cáo bán sản phẩm khi chưa được sự đồng ý là vi phạm pháp luật.
Do đó, khi phát hiện người khác sử dụng hình ảnh cá nhân của mình để giả mạo tài khoản mạng xã hội bất kể mục đích trái pháp luật nào thì có thể thực hiện các biện pháp bảo vệ mình, như: nhanh chóng thông báo và đính chính thông tin về hành vi vi phạm trên tài khoản mạng xã hội của mình để ngăn chặn, giảm thiểu các thiệt hại có thể xảy ra; liên hệ thừa phát lại để tiến hành lập vi bằng ghi nhận hành vi vi phạm đang diễn ra nhằm thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết bằng các chế tài pháp luật quy định tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư