Kính gửi văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Tôi muốn hỏi về chế độ ốm đau khi con ốm: Tôi hiện nay là giáo viên cấp III, còn chồng tôi là kỹ sư xây dựng và cả 2 đều đang tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ từ năm 2008 đến nay. Hiện nay, cháu nhỏ nhà tôi đang ốm và sắp tới cháu phải chuyển lên điều trị tại Hà Nội. Do cần người chăm sóc nên tôi và vợ tôi đều muốn xin nghỉ hưởng chế độ ốm đau khi con ốm. Vậy cả hai vợ chồng tôi có thể cùng nghỉ để chăm con được không?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Xem thêm:
>> Mức hưởng chế độ khi con ốm đau
>> Quy định về sử dụng lao động nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ làm việc ban đêm
>> Quy định về hợp đồng thử việc và nội dung chính của hợp đồng thử việc mà người lao động cần biết năm 2021
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Điều kiện để hưởng chế độ ốm đau khi con ốm
Đối tượng được hưởng chế độ ốm đau trong Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định các đối tượng được hưởng chế độ ốm đau tại Điều 24, bao gồm các đối tượng sau:
- Làm việc theo hợp đồng lao động có xác định thời hạn, hợp đồng lao động không thời hạn.
- Làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1-3 tháng.
- Cán bộ, công chức, viên chức.
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân quân đội; sĩ quan, hạ sĩ quan công an; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân;
- Người quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã có hưởng lương.
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau khi con ốm ở Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:
- Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
- Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Do bạn không nêu rõ tuổi của con bạn nên nếu con bạn dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì bạn thuộc diện hưởng chế độ con ốm đau theo quy định tại Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trường hợp cả hai cha mẹ có cùng nghỉ hưởng chế độ chăm con ốm được không?
Về thời gian hưởng chế độ ốm đau khi con ốm thì với trường hợp cả hai vợ chồng cùng tham gia bảo hiểm xã hội, cùng làm việc tại một cơ quan muốn được giải quyết chế độ ốm đau khi chăm con ốm thì Điểm b Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì tùy theo điều kiện của mỗi người để luân phiên nghỉ việc chăm sóc con ốm đau, thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 7: Hai vợ chồng bà B đều đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ngày nghỉ hàng tuần của vợ chồng bà B là ngày Chủ nhật. Con bà B được 5 tuổi, bị ốm phải điều trị ở bệnh viện thời gian từ ngày 11/01 đến ngày 05/02/2016. Do điều kiện công việc, vợ chồng bà B phải bố trí thay nhau nghỉ chăm sóc con như sau:
– Bà B nghỉ chăm con từ ngày 11/01 đến ngày 17/01/2016 và từ ngày 25/01 đến ngày 05/02/2016;
– Chồng bà B nghỉ chăm con từ ngày 18/01 đến ngày 24/01/2016.
Như vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của vợ chồng bà B được tính như sau:
+ Đối với bà B: tổng số ngày nghỉ chăm sóc con là 19 ngày, trừ 02 ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật, còn lại 17 ngày. Tuy nhiên, do con bà B đã được 5 tuổi nên thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm tối đa là 15 ngày. Do vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của bà B được tính hưởng là 15 ngày.
+ Đối với chồng bà B: tổng số ngày nghỉ chăm sóc con là 7 ngày, trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật, còn lại 06 ngày. Do vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của chồng bà B được tính hưởng là 06 ngày.
Ngoài ra, điểm c, khoản 1, Điều 5, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng quy định trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH bắt buộc, cùng nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau thì cả cha và mẹ đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau; thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật BHXH.
Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau
Theo Điều 27 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau khi con ốm, cụ thể như sau:
– Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.
– Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Như vậy, trường hợp của vợ chồng bạn, cả hai đều có thể cùng xin nghỉ việc để chăm con ốm và đều được giải quyết chế độ ốm đau, tuy nhiên tùy theo điều kiện của mỗi người để luân phiên chăm sóc. Thời gian nghỉ hưởng chế độ sẽ căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật bảo hiểm xã hội. Theo quy định tại Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 nếu đủ điều kiện người lao động sẽ được hưởng chế độ ốm đau với thời gian như sau:
- Tối đa là 20 ngày nếu con dưới 03 tuổi;
- Tối đa 15 ngày nếu con từ đủ 03 tuổi đến 07 tuổi.
Thời gian nêu trên là thời gian tối đa trong 1 năm cho mỗi con và tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Thủ tục hưởng chế độ ốm đau
Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau bao gồm các loại giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, cụ thể bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện của con người lao động đối với trường hợp điều trị nội trú;
- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp con điều trị ngoại trú;
- Giấy khám, chữa bệnh dịch bằng tiếng Việt nếu khám, chữa bệnh ở nước ngoài.
Khi người lao động nộp toàn bộ hồ sơ này lên cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm làm danh sách theo mẫu số 01B-HSB (bản chính) và nộp lên cơ quan bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ cho người lao động.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 –Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư