Kính chào Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau:
Tôi hiện đang sống ở Hà Nội. Mới đây, tôi đọc được tin trên phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã bùng lên một vụ cháy khủng khiếp khiến 14 người tử vong và 06 người khác bị thương. Tôi còn được biết cơ quan Công an TP. Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án để điều tra các vi phạm liên quan đến phòng cháy chữa cháy (PCCC) và trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ cháy này. Như vậy, tôi thắc mắc rằng trong trường hợp xảy ra vụ cháy như vậy thì trách nhiệm pháp lý của chủ trọ và cơ quan quản lý nhà nước là gì?
Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Phan Law Vietnam gửi lời chào đến bạn, cảm ơn bạn đã có sự quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Đối với nội dung thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Trước hết, có thể thấy rằng những vụ cháy xảy ra gần đây, trong đó vụ cháy tại Trung Kính, Hà Nội nói riêng, là hồi chuông cảnh tỉnh cho các chủ thể đang kinh doanh cho thuê chung cư, nhà trọ và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ.
Trong đó, việc đảm bảo lối thoát hiểm cho người dân và nâng cao công tác PCCC nếu xảy ra cháy, nổ là việc vô cùng quan trọng và cần thiết. Nếu chủ những khu nhà trọ vẫn vô ý thức trong việc cải tạo nhà cửa, xây lối vào chật hẹp, cho thuê quá nhiều người vượt mức cho phép, để đồ đạc, xe cộ ngổn ngang chặn lối thoát hiểm duy nhất,… thì tất cả sẽ như những “quả bom nổ chậm” chực chờ cướp đi tính mạng và tài sản của những người dân sống trong khu trọ đó.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo quy định, nhà chung cư, nhà trọ đều thuộc Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020, đối nhà trọ cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các khối nhà phục vụ lưu trú từ 10.000 m3 trở lên còn thuộc Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, do đó, các cá nhân, tổ chức kinh doanh nhà chung cư, nhà trọ đều có trách nhiệm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về PCCC.
Khi cháy nhà trọ gây chết người thì nếu các chủ thể kinh doanh nhà chung cư, nhà trọ không thực hiện nghiêm các quy định về PCCC thì có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về PCCC tại Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể:
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu hành vi của các chủ thể này không đủ các yếu tố để cấu thành hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự thì các chủ thể kinh doanh chung cư, nhà trọ vẫn có thể phải chịu phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 nếu phát hiện vi phạm về PCCC thuộc các trường hợp sau: Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử tại Điều 35; Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong lắp đặt, quản lý, sử dụng điện tại Điều 36; Vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại hộ gia đình tại Điều 50; Vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ tại Điều 51. Ngoài ra, các chủ thể này còn phải bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân nếu có thiệt hại phát sinh từ hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng có trách nhiệm trong việc đảm bảo cấp phép, giám sát hoạt động PCCC tại các khu nhà trọ, chung cư đúng với quy định pháp luật. Do đó, nếu phát hiện các cơ quan nhà cấp phép không đúng quy định, thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo chung cư, nhà trọ hoạt động đúng công năng, thiết kế, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra công tác PCCC tại chung cư, nhà trọ,… thì các cơ quan này cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư