Kính gửi văn phòng luật Phan Law Vietnam, em kết hôn được 6 năm rồi, nhưng vợ chồng đã lục đục mâu thuẫn với nhau hơn năm nay, tới giờ thì khó ở chung với nhau nữa nên em muốn ly hôn. Nhưng con em con quá nhỏ, bé gái thì được 4 tuổi, con trai nhỏ thì mới 2 tuổi. Vậy em có nên ly hôn khi con còn nhỏ không? Nếu có ly hôn thì ai có quyền nuôi con ạ? Mong nhận được tư vấn sớm từ luật sư. Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Có nên ly hôn khi con còn nhỏ?
Đằng sau mỗi cuộc hôn nhân đổ vỡ, không chỉ người lớn mà cả những đứa trẻ cũng phải chịu ảnh hưởng, đặc biệt là về mặt tâm lý và sự phát triển sau này. Vì vậy, việc đưa ra quyết định ly hôn hay tiếp tục duy trì hôn nhân không chỉ phụ thuộc vào cảm xúc cá nhân mà còn cần xem xét kỹ lưỡng đến lợi ích lâu dài của con cái.
Khi con còn nhỏ, môi trường phát triển ổn định đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành nhân cách và tâm lý của trẻ. Một mái ấm hạnh phúc sẽ là nơi trẻ học cách yêu thương, tin tưởng và phát triển cảm xúc một cách lành mạnh.
Tuy nhiên, trong gia đình có xuất hiện bạo lực gia đình, ngoại tình, rượu chè hoặc mâu thuẫn trần trọng kéo dài có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ trở nên bất an, lo lắng hoặc thậm chí mất niềm tin vào tình cảm gia đình. Trong trường hợp này, việc ly hôn có thể là giải pháp để tạo ra môi trường sống tích cực hơn cho các con.
Vậy có nên ly hôn khi con còn nhỏ? Câu trả lời là có, nếu đó là phương án tốt nhất. Điều quan trọng là dù quyết định thế nào, cha mẹ cũng cần luôn đặt lợi ích và hạnh phúc của con cái lên hàng đầu, đồng thời tạo cho trẻ cảm giác an toàn và yêu thương dù gia đình có thay đổi ra sao. Bên cạnh đó, nếu ly hôn, cả hai cần thống nhất cách chăm sóc và nuôi dưỡng con cái sau khi ly hôn, đảm bảo rằng trẻ vẫn nhận được tình yêu và sự quan tâm đầy đủ từ cả cha lẫn mẹ.
Ai có quyền nuôi con nếu ly hôn?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”.
Do đó, dù mối quan hệ hôn nhân của cha mẹ đã chấm dứt, pháp luật vẫn yêu cầu họ tiếp tục đáp ứng các nhu cầu của con, từ vật chất đến tinh thần, như việc chăm sóc sức khỏe, tạo môi trường sống ổn định, giáo dục định hướng cho tương lai và cấp dưỡng cho con.
Theo khoản 2 Điều 81 thì Tòa án ưu tiên cho hai vợ chồng có thể tự thỏa thuận về người nuôi con. Nếu Tòa án nhận thấy thỏa thuận này không gây bất lợi cho trẻ, nó sẽ được chấp nhận và ghi nhận trong phán quyết ly hôn. Tuy nhiên, trong trường hợp vợ chồng không thể thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào các điều kiện quyền lợi về mọi mặt của con.
Bên cạnh đó, nếu con đã từ đủ 7 tuổi trở lên, Tòa án sẽ tham khảo ý kiến của con về nguyện vọng muốn sống với cha hay mẹ. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn dựa trên lợi ích tốt nhất cho trẻ, kết hợp với các yếu tố khác như điều kiện kinh tế, môi trường sống và khả năng chăm sóc cho con của từng bên.
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 81 thì con dưới 36 tháng tuổi được ưu tiên giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ khi:
- Người mẹ không đủ khả năng hoặc điều kiện để chăm sóc con.
- Có sự thỏa thuận khác giữa hai vợ chồng về việc giao con cho cha nuôi mà không gây bất lợi cho con.
Trên đây là phần giải đáp pháp lý của Phan Law Vietnam. Nếu còn băn khoăn hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư