Covid-19 hiện tại đã trở thành dịch bệnh truyền nhiễm toàn cầu và hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Nền kinh tế toàn thế giới nói chung bị ảnh hưởng trực tiếp rất nhiều từ dịch bệnh này, Việt Nam cũng không phải là quốc gia ngoại lệ. Để bạn đọc và các nhà đầu tư có góc nhìn pháp lý tốt hơn về sự ảnh hưởng của dịch bệnh này đối với các hoạt động kinh doanh, Phan Law Vietnam xin được chia sẻ một số ý kiến về vấn đề “Có thể xem COVID-19 là sự kiện bất khả kháng hay không?” trong bài viết dưới đây.
Như thế nào mới được xem là sự kiện bất khả kháng?
Thuật ngữ “sự kiện bất khả kháng” có lẽ là thuật ngữ được nhắc đến thường xuyên nhất trong thời gian gần đây. Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ Luật Dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Phân tích kỹ hơn, để một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng cần phải hội tụ ba yếu tố cơ bản sau:
- Yếu tố khách quan: do hoàn cảnh khách quan tác động như chiến tranh, dịch bệnh, lũ lụt…
- Không thể lường trước được: Là những sự kiện xảy ra hoàn toàn độc lập không theo ý chí của các bên và các bên hoàn toàn không nghĩ nó có thể xảy ra.
- Không thể khắc phục: Là sự kiện mặc dù đã được áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng vẫn không thể khắc phục được những hậu quả do sự kiện khách quan hoặc do sự việc không lường trước được gây ra.
COVID-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là dịch bệnh toàn cầu, như vậy về cơ bản đã đáp ứng được các yếu tố cần của một “sự kiện bất khả kháng” đó là yếu tố khách quan, nằm ngoài ý chí của các bên tham gia hợp đồng, không lường trước được. Tuy nhiên, để Covid-19 được xem là sự kiện bất khả kháng thì cần có thêm điêu kiện: Bên có nghĩa vụ đã nỗ lực áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép để khắc phục tác động của Covid-19 tới việc thực hiện hợp đồng. Đồng thời chứng minh dịch bệnh Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp làm bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng.
Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ COVID-19 cần làm gì?
Đối với những doanh nghiệp đang trực tiếp chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 dẫn đến tình trạng không thể thực hiện được hợp đồng mình đã ký kết cần lưu ý một số vấn đề dưới đây để có thể bảo đảm được quyền lợi của doanh nghiệp mình.
Thứ nhất, doanh nghiệp cần thông báo trước cho bên còn lại về khả năng thực hiện hợp đồng dưới sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 dưới dạng một sự kiện bất khả kháng để có thể hạn chế tối đa tổn thất từ những thiệt hại phát sinh.
Thứ hai, tìm cách để chứng minh yếu tố thứ ba của sự kiện bất khả kháng đối với dịch COVID-19. Như những chia sẻ ở trên, yếu tố “không thể thực hiện được” là yếu tố dễ gây tranh cãi và khá khó khăn trong việc chứng minh. Vì vậy doanh nghiệp nên lưu lại tất cả các chứng cứ chứng minh điều này trong thời gian diễn ra dịch và thực hiện hợp đồng. Ví dụ như: quyết định tạm ngưng hoạt động từ nhà nước,…
COVID-19 hiện tại vẫn là dịch bệnh toàn cầu có tính chất phức tạp. Để tránh chịu các hậu quả không mong muốn, mỗi cá nhân, doanh nghiệp cần chủ động theo dõi để nắm bắt thông tin kịp thời.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn