Hợp đồng đào tạo và hợp đồng thử việc là những loại hình gần như có mối quan hệ mật thiết với người lao động. Tuy nhiên việc đó không đồng nghĩa hai loại hợp đồng này đồng nhất với nhau. Với tư cách là một chủ thể tham gia vào quan hệ lao động thì việc phân biệt hợp đồng đào tạo và hợp đồng thử việc là điều hết sức cần thiết.
Thứ nhất, bản chất hợp đồng
Không có quy định cụ thể thế nào là hợp đồng đào tạo nhưng từ các quy định có liên quan mà điển hình là khoản 1 Điều 62 Bộ luật lao động 2012 thì hợp đồng đào tạo có thể hiểu là hợp đồng mà hai bên phải ký kết trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.
Tương tự, hợp đồng thử việc cũng không được định nghĩa cụ thể mà thay vào đó là từ quy định của khoản 1 Điều 26 Bộ luật lao động 2012 thì đây là hợp đồng với các thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc.
Thứ hai, nội dung hợp đồng
Hợp đồng đào tạo nghề phải được làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản và bảo đảm đầy đủ các nội dung chủ yếu sau:
– Nghề đào tạo
– Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo
– Chi phí đào tạo
– Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo
– Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo
– Trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Đối với hợp đồng thử việc thì nội dung sẽ dựa trên cơ sở tinh giảm một số yêu cầu của hợp đồng lao động. Tuy nhiên về yêu cầu cơ bản vẫn phải có các nội dung sau:
– Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp.
– Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động.
– Công việc và địa điểm làm việc
– Thời hạn của hợp đồng lao động
– Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
– Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
Thứ ba, thời hạn hợp đồng
Do đặc tính khác nhau giữa Hợp đồng đào tạo và Hợp đồng thử việc mà thời hạn để thực hiện nội dung hợp đồng cũng sẽ khác biệt. Vì vậy mà thời hạn hợp đồng đào tạo được phép tiến hành theo sự thỏa thuận của đôi bên. Nhưng riêng với hợp đồng thử việc thì cần xác định cụ thể theo từng trường hợp quy định tại Điều 27 Bộ luật này. Theo đó thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
– Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên
– Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ
– Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Thứ tư, tiền lương
Trong thời gian thực hiện hợp đồng đào tạo, nếu các đối tượng được đào tạo trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được doanh nghiệp trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận. Tiền lương này không cần đáp ứng yêu cầu về tiền lương tối thiểu vùng; do chưa phải là người lao động chính thức của doanh nghiệp.
Đối với hợp đồng thử việc thì tiền lương của người thử việc theo quy định tại Điều 28, mức tiền lương trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Thứ năm, kết thúc hợp đồng
Trong trường hợp các bên ký kết hợp đồng đào tạo thì theo khoản 3 Điều 61 thì hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.
Đối với hợp đồng thử việc thì việc kết thúc hợp đồng diễn ra khi khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận.
Trên đây là một số tiêu chí giúp bạn phân biệt được hợp đồng đào tạo và hợp đồng thử việc. Nếu cần thông tin chi tiết hơn thì có thể liên hệ về Phan Law Vietnam theo cách thức dưới đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn