Kính chào văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau:
Tôi đang muốn thành lập doanh nghiệp để kinh doanh mặt hàng bàn ghế sofa. Tôi chỉ kinh doanh cá nhân mà không có sự tham gia góp vốn từ bất kỳ một cá nhân nào khác. Như vậy, tôi nên đăng ký thành lập doanh nghiệp dưới hình thức công ty TNHH một thành viên hay Doanh nghiệp tư nhân, nhờ Phan Law tư vấn giúp tôi.
Xin chân thành cảm ơn!
Những điều cần biết về mã số doanh nghiệp?
Nhóm người không cùng huyết thống có thể cùng nhau thành lập hộ kinh doanh?
Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp ở đâu?
Trả lời:
Phan Law gửi lời chào đến bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Đối với nội dung thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Để đưa ra được kết luận nên thành lập doanh nghiệp theo hình thức nào thì việc đầu tiên cần làm đó là phải hiểu được ưu, nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp để từ đó chúng ta cân nhắc dựa trên nguồn lực hiện có và mong muốn của mình mà có sự lựa chọn tối ưu cho riêng mình.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (sau đây viết tắt là Công ty TNHH MTV) là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty (khoản 1 Điều 73 Luật Doanh nghiệp). Công ty TNHH MTV là một tổ chức có tư cách pháp nhân, có sự tách bạch giữa tài sản cá nhân chủ sở hữu và tài sản của công ty. Công ty TNHH MTV có quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong các loại hình công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Bên cạnh đó, khi tổ chức doanh nghiệp dưới hình thức công ty TNHH MTV sẽ dễ dàng hơn trong quy trình huy động vốn phát triển doanh nghiệp.
Nhược điểm của loại hình doanh nghiệp là công ty TNHH MTV cần quan tâm là việc quản lý doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn quản lý doanh nghiệp tư nhân (Sau đây viết tắt là DNTN) bởi vì cần phải có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 78 Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công ty TNHH MTV muốn giảm vốn điều lệ thì phải kinh doanh liên tục trong 2 năm và phải bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn (quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Doanh nghiệp).
Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. DNTN có cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, đơn giản và cũng dễ dàng hơn trong việc quản lý doanh nghiệp.
Nhược điểm của loại hình doanh nghiệp này đó là trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp, tức là khi có rủi ro chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình trước mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà không có sự tách bạch riêng lẻ tài sản của hai chủ thể. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những ưu, nhược điểm riêng mà không thể đưa ra nhận định là cái nào tốt hơn cái nào, nên đăng ký theo loại hình nào. Mà để quyết định thì chủ thể kinh doanh phải cân nhắc, xem xét các điều kiện của bản thân, mong muốn khi thực hiện hoạt động kinh doanh và khả năng cá biệt của mỗi chủ thể.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi, để được hỗ trợ đăng ký thành lập doanh nghiệp Quý khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với Phan Law qua thông tin dưới đây:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.88888
Email: info@phan.vn