Doanh nghiệp muốn mở rộng phạm vi kinh doanh cũng như địa bàn kinh doanh,doanh nghiệp sẽ cần thêm những cơ sở khác ngoài phạm vi trụ sở chính. Do đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn mở thêm chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh. Tùy thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp mà có thể lựa chọn loại hình đơn vị trực thuộc phù hợp.
Sự khác nhau giữa văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh
Về khái niệm
Văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh được quy định tại khoản 2, 3 Điều 45 Luật Doanh nghiệp như sau:
– Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.
– Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Về phạm vi thành lập
– Văn phòng đại diện có thể đặt tại tỉnh thành phố trực thuộc trung ương khác không phải tỉnh thành phố đặt trụ sở chính của doanh nghiệp.
– Từ ngày 10/10/2018, địa điểm kinh doanh có thể được lập khác với tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
Về chức năng hoạt động
– Văn phòng đại diện có chức năng đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp theo uỷ quyền và bảo vệ các quyền,lợi ích đó. Văn phòng đại diện không được phép kinh doanh mà chỉ là văn phòng liên lạc; thực hiện hoạt động nghiên cứu, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với thị trường và đối tác mới; văn phòng có thể tiến hành rà soát, nghiên cứu thị trường.
– Địa điểm kinh doanh được phép kinh doanh trong phạm vi một nhóm ngành cụ thể đã đăng ký từ ngành nghề của công ty mẹ. Địa điểm kinh doanh không có chức năng đại diện như văn phòng đại diện.
Nên lựa chọn văn phòng đại diện hay địa điểm kinh doanh?
Thông qua sự khác biệt giữa văn phòng đại diện và địa điểm doanh, doanh nghiệp nên dựa vào nhu cầu thực tế của công ty để quyết định lựa chọn thành lập loại hình đơn vị trực thuộc phù hợp.
– Trong trường hợp doanh nghiệp muốn thành lập thêm đơn vị phụ thuộc chỉ với chức năng đại diện và không thực hiện chức năng kinh doanh, doanh nghiệp có thể cân nhắc lựa chọn thành lập văn phòng đại diện để tránh việc phải thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế phức tạp. Đối với các ngành dịch vụ như : du lịch, xây dựng, tư vấn,….thì hình thức thành lập văn phòng đại diện tại các tỉnh khác là một lựa chọn hợp lý vì chỉ cần văn phòng thực hiện chức năng đại diện, tư vấn, tìm kiếm khách hàng.
– Nếu doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh ra nhiều địa bàn tỉnh, thành phố khác nhau mà chỉ có chức năng kinh doanh, không có chức năng đại diện thì doanh nghiệp có thể lựa chọn lập địa điểm kinh doanh.
Trên đây là nội dung chính chúng tôi muốn chia sẻ với bạn, để được hỗ trợ dịch vụ tư vấn pháp lý, Quý khách có thể liên hệ trực tiếp với Phan Law qua thông tin dưới đây:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn