Sau khi phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ, Thanh bị một “cò” dụ dỗ làm giấy tờ tùy thân giả để thay đổi thông tin giới tính với chi phí vài chục triệu đồng.
Tìm đến văn phòng tư vấn luật tại TP HCM, Thanh (một người chuyển giới từ nam sang nữ), cho biết cô đang rất sợ hãi vì vướng vào tội làm giả giấy tờ tùy thân, có nguy cơ bị phạt tù. “Sau khi chuyển giới ở Thái Lan về, vì muốn được sống như một phụ nữ thực sự nên em cả tin một người môi giới dụ dỗ làm lại giấy tờ tùy thân để thay đổi thông tin giới tính. Họ còn khẳng định toàn bộ hồ sơ đều hợp pháp”, cô gái quê Bình Dương nói trong nước mắt.
Chuyện vỡ lở sau khi Thanh mang giấy tờ mới đi làm thủ tục xin cấp hộ chiếu thì bị phát hiện là giả. Công an đã tạm giữ cô để lấy lời khai điều tra hình sự về đường dây làm giấy tờ giả quy mô lớn. Trong thời gian chờ hầu tòa, Thanh được phép nhờ luật sư bảo vệ. “Em không ngờ vụ việc lại nghiêm trọng như vậy. Biết thế em chẳng dại gì nghe lời dụ dỗ của người ta…”, cô tiếc nuối.
Trên Facebook cá nhân, Sonia Trang (nick name của một người chuyển giới từ nam sang nữ) kể cô từng bị lừa làm hồ sơ giấy tờ giả với giá hơn 10 triệu đồng. “Ban đầu bà ‘cò’ nói chỉ hết 5 triệu đồng, nhưng cứ vài tuần lại bảo tôi đưa thêm vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Cuối cùng tốn hơn chục triệu mà vẫn không xong. Tôi đòi tiền lại, bà ấy không trả mà bảo rằng chẳng có giấy tờ hóa đơn gì để chứng minh. Thế là tôi mất toi số tiền mồ hôi nước mắt”. Qua câu chuyện thực tế của mình, Trang khuyên bạn bè chuyển giới không nên nghe theo lời của “cò mồi” để tránh bị lừa.
Thời gian qua, Trung tâm ICS (tổ chức bảo vệ quyền lợi của người đồng tính, song tính, chuyển giới) đã tiếp nhận nhiều đơn thư nhờ hỗ trợ pháp lý liên quan đến các trường hợp người chuyển giới bị dụ dỗ làm lại giấy tờ. Trung bình mức giá “cò mồi” đưa ra khoảng 5-10 triệu đồng cho một bộ hồ sơ giả được đảm bảo là “hợp pháp 100%”. Thực tế có người đã làm được giấy tờ giả và bị cơ quan chức năng phát hiện, còn một số khác bị lừa mất cả chì lẫn chài.
“Hiện nay việc thay đổi các thông tin về hộ tịch với người chuyển giới chưa được pháp luật Việt Nam cho phép. Do đó, những nạn nhân của các vụ việc trên ngoài bị lừa mất tiền, còn đứng trước nguy cơ phạm tội làm giả giấy tờ”, bà Đinh Hồng Hạnh, cán bộ pháp lý, Trung tâm ICS nhìn nhận.
Luật sư Nguyễn Đức Hoàng, văn phòng Luật sư Phans, quận 1, TP HCM, từng được ủy quyền làm đại diện pháp lý cho một số nạn nhân của những vụ lừa đảo làm giả giấy tờ như trên. Ông Hoàng cho biết, vướng vào rắc rối pháp lý chỉ là một trong số những rủi ro người chuyển giới thường gặp phải trên con đường tìm lại giới tính mong muốn của mình. Ngay cả việc tự ý thay đổi diện mạo để được “sống thật”, trong khi thông tin trên giấy tờ tùy thân không đổi cũng đẩy họ vào tình thế hết sức khó khăn.
Từng có trường hợp một nhóm chuyển giới đi hát đám ma về khuya đã bị lực lượng chức năng tuýt còi kiểm tra hành chính. Dù trưng ra đầy đủ giấy tờ gồm hộ chiếu, hộ khẩu, giấy phép lái xe và chứng minh nhân dân nhưng nhóm này vẫn bị lập biên bản phạt vì thông tin giới tính trong giấy tờ không khớp với diện mạo thực tế.
Hồi tháng 9, một người chuyển giới nữ quê Sóc Trăng sau khi thực hiện phẫu thuật tại Thái Lan đã về nước sinh sống tại TP HCM. Sau đó, vì thiếu các thông tin hướng dẫn hậu phẫu, cô bị rách vết thương hở sau mổ ở cơ quan sinh dục, gây mất máu kéo dài. Bệnh nhân đã bị từ chối điều trị ở một số bệnh viện lớn bởi bác sĩ lo ngại vi phạm quy định liên quan đến phẫu thuật chuyển giới. Sau đó cô phải tìm đến một phòng khám tư để chữa trị mà không nhận được bất kỳ cam kết sức khỏe nào.
Theo luật sư Hoàng, chuyển đổi giới tính (hay chuyển giới) là cụm từ chỉ những thủ tục y khoa để thay đổi giới tính của một người. Nhiều người chuyển giới (có giới tính sinh học không trùng với bản dạng giới) đã thực hiện biện pháp này để được sống với một giới tính khác phù hợp với mong muốn, cảm giác giới tính của mình. Trên thực tế, đa số người chuyển giới phải đối mặt với nhiều rủi ro xuất phát từ sự phản đối của gia đình, kỳ thị của xã hội và trên hết là rủi ro về mặt pháp lý.
“Khao khát được sống với giới tính thực nhưng lại thiếu kiến thức pháp luật cần thiết nên người chuyển giới dễ bị kẻ xấu dụ dỗ thay đổi thông tin giới tính trên giấy tờ nhân thân với một số tiền lớn”, ông nhận xét.
Cũng theo luật sư, sự công nhận hay không của pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống của người chuyển giới. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền xác định lại giới tính và thay đổi thông trên giấy tờ chỉ dành cho những người khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác. Riêng với các trường hợp tự chuyển giới đến nay vẫn chưa được phép thay đổi thông tin giới tính trên giấy tờ tùy thân.
Qua đây, ông Hoàng khuyến nghị: “Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và xã hội nên có cái nhìn công bằng với người chuyển giới. Pháp luật cần có những biện pháp hợp lý để bảo vệ quyền lợi của người chuyển giới, tránh những rủi ro”.
Để tránh bị lừa đảo như những trường hợp trên, Trung tâm ICS khuyên những người chuyển giới nên có sự kết nối, liên hệ thường xuyên với bạn bè trong nhóm của mình để chia sẻ và cập nhật thông tin từ cộng đồng. “Các bạn cũng nên tìm đọc những thông tin khoa học về chuyển giới, tránh tin theo những lời truyền miệng hay lời dụ dỗ từ các ‘cò’ giấy tờ và những người không quen biết”, vị cán bộ pháp lý lưu ý.
Thi Trân
Nguồn: vnexpress.net