Thành lập một doanh nghiệp mới là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là về mặt tài chính. Dưới đây là phân tích chi tiết về những chi phí mà bạn cần phải bỏ ra trước khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Chi phí để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Để doanh nghiệp được hoạt động hợp pháp theo quy định, trước tiên bạn cần đăng ký thành lập doanh nghiệp, cụ thể theo Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020 thì trình tự thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp như sau:
1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:
a) Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;
b) Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
c) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
2. Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử bao gồm các dữ liệu theo quy định của Luật này và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.
3. Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
4. Tài khoản đăng ký kinh doanh là tài khoản được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Cá nhân được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký để được cấp và việc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
6. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, liên thông trong đăng ký doanh nghiệp.
Trong quá trình nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì bạn phải đóng phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 100.000 đồng và lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là 50.000 đồng.
*Lưu ý, trong trường hợp bạn nộp hồ sơ đăng ký online thì không cần phải đóng lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là 50.000 đồng kia.
Chi phí khắc dấu doanh nghiệp
Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có toàn quyền quyết định về loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung của dấu mà họ sẽ sử dụng. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn thiết kế và thông tin trên con dấu của mình mà không bị ràng buộc bởi các quy định cụ thể từ pháp luật, cũng như sẽ không phải tiến hành thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Điều này giúp giảm bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc khởi nghiệp và hoạt động kinh doanh.
Chi phí khắc dấu doanh nghiệp từ 200.000 – 500.000 đồng, tuỳ thuộc vào giá của từng đơn vị cung cấp dịch vụ khắc dấu.
Chi phí mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp
Tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, được mở tại các ngân hàng, đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý tài chính và thực hiện các giao dịch hàng ngày của công ty. Dưới đây là các mục đích cụ thể mà tài khoản này phục vụ:
Nộp các loại thuế như thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật. Việc này giúp đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
Chuyển lương hàng tháng cho nhân viên. Điều này không chỉ giúp quản lý lương bổng một cách hiệu quả mà còn đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong việc chi trả.
Thanh toán các hóa đơn dịch vụ như điện, nước, internet và tiền thuê mặt bằng. Sử dụng tài khoản thanh toán giúp doanh nghiệp thực hiện các giao dịch này một cách nhanh chóng và tiện lợi, đồng thời dễ dàng theo dõi và quản lý các khoản chi tiêu.
Ngoài các mục đích trên, tài khoản thanh toán còn được sử dụng cho nhiều giao dịch khác như mua sắm nguyên vật liệu, thanh toán cho nhà cung cấp và các chi phí hoạt động khác của doanh nghiệp. Điều này giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động liên tục và hiệu quả.
Tùy thuộc vào từng ngân hàng và gói dịch vụ doanh nghiệp chọn mà khi doanh nghiệp đăng ký mở tài khoản sẽ phải đóng phí nhất định. Thuồng thì chi phí mở tài khoản cho doanh nghiệp tầm khoảng 1.000.000 đồng.
*Lưu ý: Theo nghị định 01/2021/NĐ-CP, Doanh nghiệp không cần đăng ký số tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế. Do đó, khi doanh nghiệp thay đổi số tài khoản ngân hàng cũng không cần thông báo với cơ quan thuế.
Chi phí mua chữ ký số
Theo khoản 6 Điều 3 của Nghị định 130/2018/NĐ-CP có quy định về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. “Chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra dựa trên các thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng. Bạn có thể sử dụng dịch vụ của những nhà cung cấp chữ ký số uy tín như: Viettel, VNPT, FPT, CyberHSM, NewCA,…
Chi phí mua chữ ký số khoảng từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng/01 năm còn tùy thuộc vào giá của đơn vị cung cấp và thời gian sử dụng.
Chi phí làm biển hiệu công ty
Biển công ty, hay còn gọi là bảng hiệu công ty, là một yếu tố không thể thiếu đối với bất kỳ doanh nghiệp hay cơ sở kinh doanh nào. Một bảng hiệu công ty được thiết kế đẹp mắt không chỉ thể hiện sự uy tín mà còn phản ánh đẳng cấp và sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngày nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư rất nhiều vào việc thiết kế và lắp đặt bảng hiệu công ty để tạo ấn tượng tốt với khách hàng và đối tác.
Chi phí làm biển hiệu công ty từ khoảng 300.000 đồng – 1.000.000 tùy vào đơn vị cung cấp, mẫu, chất liệu và kích thước biển hiệu mà có giá phù hợp.
Một số chi phí khác
Để thu hút khách hàng và xây dựng thương hiệu, bạn cần đầu tư vào các hoạt động marketing và quảng cáo. Chi phí này bao gồm việc thiết kế logo, xây dựng website, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông và các hoạt động marketing khác.
Một yếu tố quan trọng khác là chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên. Bạn cần chi trả cho các hoạt động tuyển dụng như đăng tin tuyển dụng, phỏng vấn và kiểm tra năng lực.
Bạn cũng cần đầu tư vào các thiết bị văn phòng như máy tính, máy in, bàn ghế và các thiết bị khác, với tổng chi phí có thể lên đến vài chục triệu đồng.
Ngoài ra, để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và quản lý tài chính hiệu quả, bạn cần thuê dịch vụ tư vấn pháp lý và kế toán. Dịch vụ tư vấn pháp lý về đăng ký kinh doanh giúp bạn giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hoạt động, trong khi dịch vụ kế toán giúp bạn quản lý tài chính và nộp thuế đúng hạn.
Trên đây là phần giải đáp pháp lý của Phan Law Vietnam. Nếu còn băn khoăn hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư