Kết hôn đồng giới là gì?
Kết hôn đồng giới là một trong những vấn đề rất được quan tâm tại thời điểm hiện nay, đặc biệt là ở những quốc gia như Canada, Anh, Pháp, Đức,… Rất nhiều cặp đôi đồng tính đều muốn tiến tới quan hệ hôn nhân không chỉ vì tình cảm dành cho nhau mà còn bởi những quyền và lợi ích được pháp luật công nhận như những cặp vợ chồng dị tính khác, trong đó bao gồm: quyền được kết hôn, ly hôn; quyền được chia tài sản sau ly hôn; quyền được thừa kế tài sản; quyền được hưởng các phúc lợi xã hội của nhau,…
Tuy hiện tại đã có rất nhiều quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và cũng cho ban hành nhiều đạo luật liên quan đến vấn đề này, nhưng quốc gia chúng ta trong hệ thống pháp luật vẫn chưa có luật kết hôn đồng giới tại Việt Nam, thậm chí vấn đề này chỉ được nhắc đến trong một số ít văn bản pháp luật.
Chính vì vậy, khái niệm về kết hôn đồng giới vẫn chưa được pháp luật quy định cụ thể. Tuy vậy, căn cứ vào định nghĩa về giới tính tại khoản 5 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2016: “Giới tính chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ”, chúng ta vẫn có thể hiểu khái niệm về việc kết hôn đồng giới là hôn nhân giữa những người cùng giới tính, ví dụ như nam với nam hoặc nữ với nữ.
Quy định luật kết hôn đồng giới ở Việt Nam hiện nay như thế nào?
Trước đây, quy định luật kết hôn đồng giới ở Việt Nam là một trong những quy định về trường hợp cấm kết hôn. Cụ thể, theo khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000:
Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây:
1. Người đang có vợ hoặc có chồng;
2. Người mất năng lực hành vi dân sự;
3. Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
4. Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
5. Giữa những người cùng giới tính.
Bởi vì đây là điều khoản cấm nên các cặp đôi đồng tính tại thời điểm đó dù chỉ tổ chức đám cưới hay sống chung với nhau như vợ chồng thì đều là các hành vi vi phạm pháp luật và có thể sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng, đồng thời buộc phải chấm dứt mối quan hệ này theo Điều 8 Nghị định 87/2001/NĐ-CP:
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng;
c) Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
d) Kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi;
đ) Kết hôn giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
e) Kết hôn giữa những người cùng giới tính.
2. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác:
Buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Đến thời điểm hiện tại, quy định luật kết hôn đồng giới ở Việt Nam chuyển từ quy định “cấm” thành dạng quy định “không thừa nhận”. Cụ thể, khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Như vậy, so với quy định trước đây, Nhà nước đã không còn “cấm” hôn nhân đồng giới nữa, mà chỉ “không thừa nhận” mối quan hệ này. Điều này có nghĩa các cặp đôi đồng giới được quyền tổ chức đám cưới, được quyền sống chung với nhau như vợ chồng, chỉ là không được thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ đó sẽ không thể hưởng các quyền và nghĩa vụ như các cặp vợ chồng dị tính khác đã đăng ký kết hôn (tức không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng, cấp dưỡng, tài sản chung,…).
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được gửi đến Quý Khách hàng. Nếu còn băn khoăn hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư