Pháp luật không yêu cầu tất cả các dự án đầu tư đều phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư. Chỉ những dự án thuộc quy định cụ thể tại Luật Đầu tư 2014 được yêu cầu mới phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu về các loại dự án và cách thực hiện đăng ký đầu tư theo đúng quy định của pháp luật ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Xem thêm:
>> Đăng ký đầu tư trực tuyến như thế nào?
>> Đăng ký đầu tư và những quy định cần biết
>> Tư vấn về văn bản đăng ký dự án đầu tư theo pháp luật hiện hành
Tìm hiểu về cách đăng ký các dự án đầu tư
Đăng ký đầu tư là gì?
Đăng ký đầu tư là việc thực hiện thủ tục pháp lý với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án thuộc diện phải đăng ký đầu tư. Từ đó có cơ sở pháp lý để có thể bắt đầu tiến hành thực hiện dự án.
Các dự án thuộc diện đăng ký đầu tư
Như đã chia sẻ ở trên, không phải tất cả các dự án đều bắt buộc phải tiến hành thực hiện thủ tục này. Pháp luật có liệt kê rõ những dự án nào cần phải đăng ký đầu tư, thủ tục nào không cần thực hiện. Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Đầu tư 2014, các trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
- Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó: Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh; Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên; Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.
Cần lưu ý, trường hợp dự án của bạn thuộc diện quyết định chủ trương, bạn phải được quyết định chủ trương để tiếp tục thực hiện thủ tục yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Các trường hợp không thuộc diện phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư được quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Đầu tư 2014 bao gồm:
“a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;
b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này;
c) Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.”
Trong trường hợp bạn muốn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án tại khoản a và khoản b khoản 2 Điều 36 Luật Đầu tư 2014, bạn vẫn có thể nộp hồ sơ và làm thủ tục theo quy định.
Tiến hành đăng ký đầu tư như thế nào?
Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư được hướng dẫn tại Điều 37 Luật Đầu tư 2014 như sau:
“1. Đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật này, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
2. Đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định sau đây:
a) Nhà đầu tư nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này cho cơ quan đăng ký đầu tư;
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.”
Một số quy định về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là tài liệu pháp lý quan trọng để chứng minh việc dự án của bạn là hợp lệ. Loại tài liệu này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và cấp cho chủ dự án đủ điều kiện đã thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư.
Nội dung của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
- Mã số dự án đầu tư; tên, địa chỉ của nhà đầu tư.
- Tên dự án đầu tư.
- Địa điểm thực hiện dự án đầu tư; diện tích đất sử dụng. Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.
- Vốn đầu tư của dự án (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động), tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn.
- Thời hạn hoạt động của dự án.
- Tiến độ thực hiện dự án đầu tư: tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án, trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn, phải quy định mục tiêu, thời hạn, nội dung hoạt động của từng giai đoạn.
- Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có). Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án (nếu có).
Thủ tục đăng ký đầu tư là một trong những thủ tục khá phức tạp đối với nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn phát triển tại thị trường Việt Nam. Mỗi loại hình dự án sẽ yêu cầu các điều kiện khác nhau. Để các luật sư của Phan Law Vietnam có thể hỗ trợ tư vấn tốt hơn, hay trao đổi trực tiếp với chúng tôi thông qua các phương thức liên hệ dưới đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư