Trong điều kiện mở cửa thị trường Việt Nam đón nhận rất nhiều đầu tư từ nước ngoài. Ngoài bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, các công ty nước ngoài vào Việt Nam còn vướng phải rào cản về luật pháp ngay từ bước đầu tiên là đặt văn phòng đại diện hay thành lập chi nhánh. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn về thủ tục mở chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam.
>> Tìm hiểu các quy định hiện hành về đăng ký đầu tư: Thủ tục đăng ký đầu tư dành cho các dự án nào?
Điều kiện được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh tại Việt Nam
Các điều kiện để được mở chi nhánh là:
– Là thương nhân được pháp luật nước nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh công nhận hợp pháp;
– Đã hoạt động không dưới 05 năm, kể từ khi thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp;
Các trường hợp không cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh:
– Không đáp ứng được các điều kiện trên;
– Thương nhân nước ngoài chỉ kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Thương nhân nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh trong thời gian 02 năm, kể từ ngày bị thu hồi Giấy phép thành lập tại Việt Nam;
– Có bằng chứng cho thấy việc thành lập Chi nhánh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khỏe của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường;
– Nộp hồ sơ không hợp lệ và không bổ sung đủ hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh
Hồ sơ gồm có:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh;
– Bản sao Điều lệ hoạt động của Chi nhánh, trong đó quy định rõ phạm vi ủy quyền cho người đứng đầu Chi nhánh;
– Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập hoặc đăng ký kinh doanh xác nhận. Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương có quy định thời hạn hoạt động của thương nhân nước ngoài thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 03 năm;
– Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương chứng minh sự tồn tại và các hoạt động thực sự của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất. Các tài liệu khác có giá trị tương đương là văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất do cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập cấp hoặc các văn bản khác được tổ chức độc lập, có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận chứng minh sự tồn tại và hoạt động thực sự của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;
– Bản sao chứng minh nhân dân (nếu là người Việt Nam); Bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu chi nhánh;
– Bản sao hợp đồng thuê địa điểm đặt trụ sở chi nhánh;…
Các giấy tờ quy trên phải dịch ra tiếng Việt, được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận và thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bản sao các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp hay xác nhận đối với hồ sơ Chi nhánh phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy phép hoạt động chi nhánh
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công thương hoàn thành việc thẩm định và cấp cho thương nhân nước ngoài Giấy phép thành lập Chi nhánh và gửi bản sao Giấy phép tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Công thương, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan công an cấp tỉnh nơi Chi nhánh đặt trụ sở.
Trên đây là những thủ tục khi mở chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam. Trong trường hợp có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý hỗ trợ thành lập doanh nghiệp hoặc các thủ tục pháp lý hành chính khác, có thể liên hệ với Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam thông qua thông tin sau:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn