Trong thực tế có rất nhiều hợp đồng, giao dịch được ký kết trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Vậy, hợp đồng thành lập công ty có phải là hợp đồng được ký trước khi doanh nghiệp thành lập? Hợp đồng này được hiểu như thế nào? Đặc điểm và những điều khoản cơ bản trong hợp đồng là gì? Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Thế nào là hợp đồng thành lập công ty?
Pháp luật hiện hành chưa có một khái niệm cụ thể về hợp đồng thành lập công ty. Tuy nhiên, trên cơ sở lý luận, có thể đưa ra khái niệm về hợp đồng thành lập công ty như sau “Hợp đồng thành lập công ty là hợp đồng được kí kết trước khi công ty được thành lập; là sự thỏa thuận và thống nhất ý chí nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến quá trình đầu tư góp vốn thành lập một tổ chức kinh tế mới giữa các nhà đầu tư”.
Đặc điểm của hợp đồng thành lập công ty là gì?
Hợp đồng thành lập công ty là một trong số những cách hiểu về hợp đồng trước đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Điều 19 Luật Doanh nghiệp 2014. Hợp đồng thành lập công ty có đặc điểm sau:
Hợp đồng thỏa thuận góp vốn giữa những người thành lập doanh nghiệp với nhau với mục đích phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết. Nếu doanh nghiệp không được đăng ký thành lập thì người ký kết hợp đồng chịu trách nhiệm hoặc người thành lập doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.
Lưu ý: Để hạn chế rủi ro, các thành viên hoặc cổ đông sáng lập nên thỏa thuận cụ thể với nhau về nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ việc ký hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp.
Hợp đồng thành lập công ty có những điều khoản cơ bản nào?
Thông thường thì hợp đồng thành lập công ty cần có những điều khoản cơ bản sau:
Thứ nhất, về loại hình và tên gọi công ty
Vì hợp đồng thành lập công ty quy định về vấn đề liên quan tới quá trình đầu tư góp vốn thành lập một tổ chức kinh tế mới giữa các nhà đầu tư nên hợp đồng này chỉ áp dụng cho việc thành lập công ty hợp danh, công ty TNHH 2 thành viên trở lên và CTCP. Việc lựa chọn mô hình công ty và tên gọi do các bên thỏa thuận.
Thứ hai, về ngành nghề đăng kí kinh doanh
Bạn có thể tự do lựa chọn một hoặc nhiều ngành nghề đăng ký kinh doanh theo nguyện vọng và khả năng của mình. Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ được tiến hành kinh doanh khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh
Thứ ba, về góp vốn
Trong hợp đồng, các bên phải thỏa thuận các điều khoản liên quan đến: số vốn góp vào công ty của từng thành viên, loại tài sản dùng để góp vốn, thời điểm góp vốn hoặc lộ trình góp vốn đối với những nhà đầu tư góp vốn nhiều lần
Thứ tư, về cơ cấu tổ chức quản lý công ty
Các thành viên phải thỏa thuận các điều khoản về cơ cấu tổ chức, các chức danh quản lý doanh nghiệp trong hợp đồng thành lập công ty.
Thứ năm, về hoạt động phục vụ cho việc thành lập và kinh doanh công ty
Để công ty có thể tiến hành hoạt động kinh doanh ngay sau khi cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, nhà đầu tư cần phải kí một số hợp đồng phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty như: thuê trụ sở, địa điểm kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng…Nhà đầu tư sẽ quy định trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên.
Thứ sáu, về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại
Thực tế có nhiều nhà đầu tư sau khi tham gia ký kết nhưng không tham gia hợp đồng thành lập công ty, đăng ký góp vốn nhưng lại không tiến hành góp vốn theo thỏa thuận. Do đó, cần có điều khoản về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại để tránh những rủi ro kể trên.
Thứ bảy, về giải quyết tranh chấp
Khi phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn nên chọn hình thức giải quyết tranh chấp linh hoạt, hiệu quả và phải bảo đảm duy trì được mối quan hệ giữa các bên
Trên đây là các nội dung tư vấn về hợp đồng thành lập công ty. Trường hợp quý khách có thắc mắc hoặc cần tư vấn cụ thể, hãy liên hệ Phan Law VietNam theo thông tin sau đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn