Kính chào Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề cần được giải đáp như sau: Tôi và chồng đang tiến hành thủ tục ly hôn. Tôi rất lo lắng về việc chia sẻ quyền nuôi dưỡng một con chung mới sinh sau khi ly hôn. Trong trường hợp này, tôi muốn hỏi rằng sau khi ly hôn con dưới 1 tuổi ở với ai? Rất mong Luật sư tư vấn giúp tôi hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật trong trường hợp này. Xin cảm ơn.
Trả lời:
Phan Law Vietnam gửi lời chào đến bạn, cảm ơn bạn đã có sự quan tâm và gửi câu hỏi liên quan đến vấn đề về việc sau ly hôn con dưới 1 tuổi ở với ai. Đối với nội dung thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Ly hôn con dưới 1 tuổi ở với ai?
Câu hỏi về việc phân chia quyền nuôi con sau ly hôn không chỉ dừng lại ở việc quyết định ai sẽ chăm sóc trực tiếp trẻ mà còn bao hàm nhiều yếu tố pháp lý phức tạp khác. Mỗi trường hợp gia đình đều có những đặc thù riêng, đòi hỏi cần có sự xem xét kỹ lưỡng và giải quyết một cách thấu đáo.
Trong trường hợp của bạn, đối với câu hỏi về việc sau khi ly hôn con dưới 1 tuổi ở với ai, chúng tôi xin phản hồi rằng, theo khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, nếu bạn đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con và vợ chồng bạn không có các thỏa thuận khác thì con chung mới sinh sau khi ly hôn sẽ do bạn trực tiếp nuôi dưỡng. Theo đó, bạn cần lưu ý những điều kiện khiến bạn không thể trực tiếp nuôi con như sau:
a) Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
Ví dụ: Trường hợp người mẹ bị đột quỵ và liệt nửa người, không còn khả năng đi lại thì Tòa án không giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
b) Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
c) Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Nếu bạn thuộc một trong những trường hợp trên mà muốn trực tiếp nuôi con thì bạn cần chứng mình với Tòa điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người cha không tốt hơn điều kiện của bạn. Khi đó, Tòa sẽ phán quyết cho bạn được trực tiếp nuôi con.
Về phần người cha không trực tiếp nuôi con, theo Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, người cha sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ sau đây:
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Ngược lại, về phần nghĩa vụ của bạn đối với người không trực tiếp nuôi con, theo Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, bạn phải đảm bảo:
1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trên đây là phần phản hồi pháp lý của Phan Law Vietnam về vấn đề “Dịch vụ tư vấn ly hôn: Ly hôn con dưới 1 tuổi ở với ai?” xin được thông tin đến Quý Khách hàng. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư