Trên thực tế, số lượng các cặp vợ chồng thuận tình ly hôn luôn ít hơn các trường hợp thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương. Vì hầu hết là chỉ có một bên vợ hoặc một bên chồng muốn ly hôn mà bên còn lại không đồng ý ly hôn. Đối với những trường hợp như vậy, pháp luật có quy định về quyền ly hôn đơn phương hay ly hôn theo yêu cầu của một bên nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bên trong mối quan hệ hôn nhân.
Xem thêm:
>> Tìm hiểu về quyền đơn phương ly hôn
>> Cách tiến hành thủ tục ly hôn đơn phương
>> Làm sao để ly hôn khi chồng không đồng ý?
Tư vấn thủ tục ly hôn đơn phương
Thế nào là thủ tục ly hôn đơn phương?
Ly hôn đơn phương là tên thường gọi của thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên. Đúng như tên gọi thay vì có sự tự nguyện của cả hai vợ chồng thì thủ tục này chỉ xuất phát từ ý chí của một bên mà không có sự đồng ý của bên còn lại. Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia định 2014 đã có quy định về các căn cứ để Tòa án dựa vào đó xem xét giải quyết yêu cầu ly hôn của vợ hoặc chồng. Theo đó thủ tục này sẽ diễn ra khi có một trong các căn cứ sau:
– Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài;
– Vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích;
– Vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do vợ, chồng của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Trình tự thủ tục ly hôn đơn phương
Trình tự thủ tục ly hôn đơn phương
Nếu như việc ly hôn thuận tình đã được thỏa thuận hết các vấn đề liên quan thì thủ tục ly hôn đơn phương lại phức tạp hơn rất nhiều. Do đó mà thời gian giải quyết tương đối dài cũng như phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Về cơ bản, thủ tục ly hôn đơn phương bao gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ ly hôn đơn phương
Để được Tòa án giải quyết cho ly hôn theo ý muốn của mình thì bên yêu cầu buộc phải soạn thảo đầy đủ hồ sơ xin ly hôn. Trong đó các loại giấy từ cơ bản sẽ là:
– Đơn xin ly hôn;
– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
– Bản sao Hộ khẩu thường trú, tạm trú của vợ và chồng;
– Bản sao Chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu của vợ và chồng;
– Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở (nếu có)…
– Bản sao giấy khai sinh của con.
Hồ sơ khi soạn thảo hoàn thiện sẽ được nộp đến Toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng.
Bước 2: Tòa án xem xét và giải quyết
Khi nhận được đơn yêu cầu ly hôn từ nguyên đơn, Tòa án phải xem xét có thụ lý đơn hay không trong thời hạn 05 ngày làm việc. Nếu hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra quyết định thụ lý đơn ly hôn đơn phương từ thời điểm nguyên đơn nộp biên lai đã đóng tiền tạm ứng án phí (Điều 191 và Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Bước 3: Thủ tục hoà giải
Hoà giải là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử trừ những trường hợp đặc biệt. Nếu hòa giải thành thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 07 ngày mà các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cáo kháng nghị.
Trường hợp hoà giải không thành thì vẫn phải lập biên bản hòa giải không thành sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Bước 4: Ra bản án ly hôn
Sau các phiên xét xử, nếu xét thấy có đầy đủ các điều kiện để giải quyết ly hôn thì Tòa án sẽ ra bản án ly hôn chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng.
Trên đây là tư vấn về thủ tục ly hôn đơn phương theo quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, nếu còn thắc mắc gì, bạn có thể liên hệ trực tiếp Phan Law Vietnam để được tư vấn, giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư