Các hình thức phân chia di sản thừa kế
Theo quy định pháp luật dân sự, di sản có thể được phân chia dưới ba hình thức:
(1) Phân chia theo di chúc;
(2) Phân chia theo pháp luật và;
(3) Phân chia theo thỏa thuận của những người thừa kế.
Trường hợp phân chia theo di chúc là việc người chết để lại di chúc hợp pháp và di sản được phân chia theo các chỉ dẫn trong di chúc. Những người thừa kế sẽ nhận tài sản theo ý nguyện của người lập di chúc, miễn không vi phạm các quy định của pháp luật, ví dụ như không được xâm phạm quyền lợi hợp pháp của những người thừa kế không phụ thuộc di chúc.
Trường hợp phân chia theo pháp luật là việc di sản được phân chia theo quy định về hàng thừa kế của Bộ luật dân sự cho những người thừa kế. Tỷ lệ phân chia theo quy định pháp luật.
Trường hợp phân chia theo thỏa thuận của những người thừa kế là việc di sản được phân chia không theo di chúc và không theo quy định về hàng thừa kế, mà theo sự thống nhất ý chí của tất cả những người thừa kế hợp pháp. Tỷ lệ phân chia do những người thừa kế tự thỏa thuận.
Văn bản phân chia di sản thừa kế là gì?
Văn bản phân chia di sản thừa kế, hay chính xác hơn là văn bản thỏa thuận phân chia di sản, là văn bản do những người thừa kế lập, trong trường hợp phân chia theo thỏa thuận của những người thừa kế.
Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận và lập văn bản phân chia di sản thừa kế.
Các cơ sở pháp lý của văn bản phân chia di sản thừa kế bao gồm:
- Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế và phân chia di sản thừa kế;
- Luật Công chứng 2014 quy định về trường hợp thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cần được công chứng;
- Các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến thừa kế, di chúc và thủ tục công chứng.
Lập văn bản phân chia di sản thừa kế
Văn bản phân chia di sản thừa kế được lập cần phải đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau:
- Có sự đồng thuận của những người thừa kế: Việc phân chia di sản phải dựa trên sự thỏa thuận của tất cả những người thừa kế hợp pháp.
- Được ký kết bởi những người thừa kế: Tất cả các người thừa kế có quyền lợi đối với di sản phải tham gia vào việc lập văn bản phân chia di sản và ký kết văn bản đó. Nếu một người thừa kế không đồng ý với việc phân chia, văn bản sẽ không có giá trị.
- Ghi rõ các tài sản thừa kế và tỷ lệ phân chia: Văn bản phân chia di sản thừa kế phải liệt kê chi tiết về các tài sản của người đã mất, đồng thời nêu rõ tỷ lệ phần trăm hoặc giá trị tài sản được phân chia cho từng người thừa kế, hình thức phân chia di sản.
Lưu ý, những người thừa kế có quyền thỏa thuận phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật.
Ngoài ra, văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng sẽ là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản. Do đó, để tốt nhất, văn bản thỏa thuận phân chia di sản sau khi được lập phải được công chứng.
Theo quy định Luật Công chứng, những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Thời hạn để công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư